Thiếu bền vững

ĐỖ HUẤN 10/04/2015 10:02

Là loại thực phẩm bổ dưỡng, được du khách ưa chuộng, bào ngư ở Cù Lao Chàm (Hội An) đang bị khai thác quá mức. Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp thì nguy cơ cạn kiệt loài hải sản này là không thể tránh khỏi.

Bào ngư là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, do cấu tạo vỏ có tầng xà cừ óng ánh với nhiều màu sắc, nên bào ngư còn được sử dụng làm đồ trang sức, khảm xà cừ trong kỹ nghệ tranh sơn mài. Bào ngư phân bố hầu hết ven các đảo của Cù Lao Chàm và là loại đặc sản ưa chuộng của du khách. Theo phản ánh của ngư dân Cù Lao Chàm, hằng năm từ tháng 3 đến tháng 5, bào ngư xuất hiện với mật độ cao. Mùa vụ khai thác bào ngư tập trung từ tháng 3 đến tháng 8. Đây là mùa khách du lịch đến tham quan và sử dụng thực phẩm bào ngư tại Cù Lao Chàm. Trong mùa khai thác chính, các thợ lặn thường hoạt động hết công suất, có thời điểm mỗi thợ lặn hoạt động lên đến 25 ngày/tháng.

Cần quản lý khai thác hợp lý bào ngư Cù Lao Chàm để không làm cạn kiệt loài hải sản có giá trị này. Ảnh: Đ.H
Cần quản lý khai thác hợp lý bào ngư Cù Lao Chàm để không làm cạn kiệt loài hải sản có giá trị này. Ảnh: Đ.H

Giá trị kinh tế cao

Bào ngư khai thác tại Cù Lao Chàm được tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Trong đó phần lớn là phân phối trực tiếp cho các đầu nậu hoặc các nhà hàng tại đảo. Thịt bào ngư mềm, mùi vị thơm ngon, có hàm lượng protein cao (23 - 24%). Giá trị kinh tế thu được từ hoạt động khai thác bào ngư rất lớn. Theo cách tính của nhóm nghiên cứu do bà Dương Thị Thu Đông (Khoa Sinh - môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và TS.Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) phụ trách, thu nhập bình quân đầu người từ hoạt động khai thác bào ngư trong năm 2014 của ngư dân đạt khoảng 70 triệu đồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở vùng biển Cù Lao Chàm hiện có 2 loài bào ngư gồm bào ngư bầu dục (có tên khoa học là Haliotis ovina Gmelin, 1791) và bào ngư dài (Haliotis varia Linne, 1758). Trong 2 loài bào ngư được ghi nhận thì loài bào ngư bầu dục hiện nằm trong Danh lục động vật sách đỏ Việt Nam 2007 đang trong tình trạng nguy cấp. Bào ngư ở vùng biển này phân bố hầu hết ven các đảo. Chúng thường sống bám ở san hô hay kẽ đá của các rạn đá tảng nhô ra biển nơi nước trong, sóng vỗ, độ mặn ổn định và độ oxy hòa tan cao. Trong 2 loài bào ngư thì chỉ có loài bào ngư dài phân bố với mật độ trung bình cao (3,7 cá thể/m2) và cung cấp sản lượng vào khoảng hơn 5.327kg/năm, chiếm tỷ lệ gần 83,5% tổng sản lượng bào ngư được khai thác tại đảo. Loài bào ngư bầu dục có mật độ phân bố trung bình thấp hơn nhiều so với bào ngư dài (1,1 cá thể/m2), vì vậy cung cấp sản lượng thấp với khoảng 1.053kg/năm. Hiện tại kích thước bào ngư bầu dục được khai thác dao động 29 - 84mm, trong đó nhóm chiếm ưu thế có kích thước 45 - 65mm. Kích thước bào ngư dài được khai thác dao động 23 - 60mm, trong đó nhóm chiếm ưu thế có kích thước 35 - 48mm.

Cần quản lý chặt chẽ

Ngoài 2 loài bào ngư này, ở vùng biển Cù Lao Chàm còn có loài bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linne, 1758). Theo Bộ NN&PTNT xác định từ năm 2008, loài bào ngư vành tai là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng lớn, và trong suốt thời gian nghiên cứu (từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2014) không bắt gặp cá thể bào ngư vành tai nào. TS.Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói: “Điều này cho thấy mức độ suy giảm nghiêm trọng đối với loài bào ngư này trong tự nhiên. Để phục hồi và bảo tồn loài bào ngư vành tai ở Cù Lao Chàm, cần nghiên cứu giải pháp bảo tồn nguồn gen đối với loài bào ngư này. Ngoài ra cần lặp lại nghiên cứu về bào ngư vành tai trong thời gian tới để xác định chính xác loài này có còn trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hay không”.

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả Dương Thị Thu Đông và Chu Mạnh Trinh kiến nghị, trước mắt cần quản lý việc khai thác bào ngư trên cơ sở mùa vụ sinh sản và kích thước sinh dục lần đầu của bào ngư. Đối với bào ngư bầu dục, cần cấm khai thác trong tháng 3, tháng 4 và tháng 8, vì đây là thời gian đẻ rộ của chúng. Kích thước bào ngư bầu dục được phép khai thác phải lớn hơn 44mm, vì đây là kích thước sinh dục lần đầu. Đối với bào ngư dài, cần cấm khai thác trong tháng 4, tháng 5 và tháng 8. Kích thước bào ngư dài được phép khai thác phải lớn hơn 34mm. Đối với bào ngư vành tai, cần nghiêm cấm khai thác trong khu bảo tồn. Đồng thời trong thời gian tới cần có nghiên cứu về tác động của các yếu tố môi trường đến hoạt động sống của bào ngư, nghiên cứu về giá trị tăng thêm từ nguồn lợi bào ngư khai thác được ở Cù Lao Chàm khi mà lượng du khách đến với đảo đã đạt con số hơn 200.000 lượt người/năm.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN