Tiện lợi từ siêu thị nhỏ

CHIÊU THỤC ANH 09/04/2015 09:19

Hàng loạt siêu thị nhỏ (minimart) xuất hiện tại 2 thành phố Hội An, Tam Kỳ trong thời gian gần đây đã chứng tỏ sự tiện lợi, ưu việt của mô hình kinh doanh này trong xu hướng thương mại - dịch vụ hiện nay.

Kích thích tiêu dùng

Bà Đàm Phương Uyên - chủ cửa hàng minimart Uyên (4 Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An) cho hay, cửa hàng của bà mới chính thức chuyển đổi sang mô hình siêu thị mini cách đây ba tháng. Trước đây là tiệm tạp hóa. “Khi chuyển hình thức kinh doanh tạp hóa sang minimart, khách hàng của tôi tăng lên đáng kể. Trước, đa số là người dân trong khu vực hoặc là khách du lịch Việt Nam. Nhưng giờ có cả khách quốc tế, minimart phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của khách du lịch từ bàn chải đánh răng, dao cạo râu đến nước uống…”.  Chủ siêu thị minimart Hữu Anh (254 Lý Thường Kiệt, Hội An) cũng thông tin thêm rằng, trước đây là tiệm tạp hóa nên khách du lịch người nước ngoài ngại ghé vì nhiều lý do. Nhưng từ khi sắp xếp, chỉnh trang lại cửa hàng theo hình thức minimart thì lượt khách quốc tế ghé thăm tăng lên rất nhiều lần. “Ban đầu, chúng tôi cũng lo ngại sẽ khó quản lý theo mô hình mới. Tuy nhiên, lượt khách và doanh số bán hàng cũng tăng theo thời gian. Vì thế, những băn khoăn khi chuyển đổi đã không còn mà vui vì lợi nhuận tăng” - chủ minimart Hữu Anh chia sẻ.

Khách du lịch mua hàng tại minimart Hội An. Ảnh: C.T.A
Khách du lịch mua hàng tại minimart Hội An. Ảnh: C.T.A

Không chỉ chủ các siêu thị mini vui mà chính những người mua hàng cũng rất hào hứng với việc các cửa hàng tạp hóa chuyển đổi hình thức kinh doanh. Chị Thảo An (số 21 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ) cũng cho hay, đi siêu thị mua hàng thường thoải mái vì không gian sạch sẽ, rộng rãi, dễ lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu. Tuy nhiên, thường khi có nhu cầu mua sắm nhiều thứ hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi, người tiêu dùng mới ghé siêu thị. Vậy nên sự xuất hiện của loại hình minimart đáp ứng cả hai nhu cầu khách hàng: mua vài thứ lẻ - ít thời gian và mua hàng loạt - nhiều thời gian, lại trở nên vô cùng tiện lợi. Từ ngày 2 minimart Châu Tín, Trang (đường Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ) chuyển đổi hình thức kinh doanh, lượng khách hàng ở đây gia tăng đáng kể. Nếu việc chuyển đổi hình thức kinh doanh ở Hội An thu hút, kéo theo nhiều khách du lịch nước ngoài ghé mua thì tại TP.Tam Kỳ, các minimart với không gian thoải mái, kệ hàng trưng bày bắt mắt, tiện ích đã góp phần kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Bà chủ minimart Châu Tín cho hay, nhiều khi khách hàng chỉ cần mua hộp sữa thôi nhưng trong lúc chờ tính tiền, lại ghé xem sản phẩm mới lạ để trên kệ hoặc nhìn thấy và sực nhớ có nhu cầu mua thêm cái này cái kia mà trí nhớ lại quên mất. Thế là từ đơn hàng chỉ có một sản phẩm mà tăng thêm vài món. Bởi, trước đây, hàng tạp hóa thường có không gian chật chội, ai cần mua gì thì nói, người bán hàng sẽ đi tìm nên số lượng hàng bán ra cũng ít hơn so với việc để khách tự do lựa chọn.

Xu hướng hiện đại

Nhận thấy việc phát triển và chuyển đổi mô hình kinh doanh từ quầy tạp hóa sang minimart là việc cần thiết, hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, nhất là ở một thành phố du lịch như Hội An nên mới đây, UBND TP.Hội An đã phê duyệt đề án Quy hoạch và phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn TP.Hội An từ năm 2015-2020. Anh Ngô Quang Thanh (Phòng Quản lý thương mại - du lịch Hội An) cho biết, đề án cũng đã đề cập việc từng bước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, hình thành một số tuyến phố thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn. Hướng dẫn và khuyến khích thay đổi hình thức giao dịch, quản lý thành các loại hình cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn dần dần thay thế vị trí của các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ như: tạp hóa, bách hóa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu du lịch. Phát triển một số tuyến phố thương mại, ngoại vi nhằm mục đích phát triển nội thương, dãn dần mật độ kinh doanh trong khu phố cổ.

Theo đề án, trong vòng 5 năm, Hội An sẽ quy hoạch vị trí, dành quỹ đất, định hướng đầu tư và hình thành phát triển khu thương mại, mua sắm gắn với vui chơi giải trí tại phường Cửa Đại, phường Cẩm An theo tiến độ đầu tư khu đô thị An Bàng, tuyến phố thương mại Nguyễn Trường Tộ, tổ hợp thương mại dịch vụ đường Lý Thường Kiệt (khu quy hoạch của Công ty Thiên Vương), điểm thương mại tập trung tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, hình thành tuyến thương mại từ  khách sạn Bình Minh - khu lương thực cũ đến phường Tân An; khu thương mại Trảng kèo - Cẩm Hà; tuyến Hai Bà Trưng - phường Tân An, tuyến Hùng Vương đi Thanh Hà. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thu hút đầu tư và hình thành các tuyến thương mại mua sắm bán lẻ theo quy hoạch khu bán lẻ, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khu công viên đa chức năng thuộc phường Thanh Hà. Hướng dẫn, vận động thay thế dần mô hình kinh doanh truyền thống tại chuỗi các cửa hàng bán lẻ, bách hóa trên các đường phố sang mô hình giao dịch tự chọn, thanh toán điện tử. Vận động, kêu gọi các hộ kinh doanh đầu tư thương hiệu cửa hàng tiện lợi tại khu vực tập trung khách sạn phục vụ khách du lịch như khu quảng trường Sông Hoài, Hùng Vương, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Cửa Đại, An Hội. TP.Tam Kỳ và các huyện dù chưa có những đề án cụ thể về phát triển cửa hàng tiện ích, siêu thị mini nhưng theo xu hướng chung, những người bán lẻ muốn tồn tại phát triển tất sẽ phải đi theo chiều hướng hiện đại này.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH