Phát triển năng động

TRẦN HỮU 26/03/2015 08:29

Thăng Bình ghi đậm dấu ấn phát triển kinh tế theo định hướng quy hoạch, đã và đang tái cơ cấu phù hợp các ngành kinh tế.

Nhiều cơ sở sản xuất hình thành ở Thăng Bình góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Ảnh: Q.VIỆT
Nhiều cơ sở sản xuất hình thành ở Thăng Bình góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Ảnh: Q.VIỆT

Khai phóng tiềm năng

Quốc lộ 1 cắt qua địa bàn như “xương sống” phân định 2 vùng kinh tế đông - tây của huyện Thăng Bình. Vì vậy, huyện Thăng Bình được thừa hưởng, hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Ở vùng tây, Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc) với kiến trúc văn hóa độc đáo của Chămpa và khu vực Đông Nam Á. Kết cấu hạ tầng du lịch vùng đông “mắt xích” các dự án đường dẫn cầu Cửa Đại, đường Thanh niên ven biển, đường cứu nạn cứu hộ. Các xã ven biển Bình Minh, Bình Dương rất có tiềm năng khai thác du lịch, phát triển ngành nghề khai thác hải sản và hậu cần nghề biển. Ngoài sở hữu các giá trị sinh thái biển hiện có, Thăng Bình còn có thế mạnh về du lịch sinh thái dọc sông Trường Giang, các hồ Cao Ngạn, đập Phước Hà, hố Cam. Giai đoạn 2011 - 2014, hơn 25 nghìn lượt khách du lịch đến bãi biển Bình Minh rồi lưu trú rải rác ở các nhà nghỉ trên địa bàn, với doanh thu ước khoảng 2 tỷ đồng. Khơi dậy tiềm năng du lịch của vùng đất này cũng là tạo bệ phóng phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, hậu cần nghề biển. Tại xã biển Bình Minh có đến 12 cơ sở chế biến hải sản như cá bò ướp tấm, cá cơm cá nục hấp khô, mắm chượp… đang sản xuất tiêu thụ ở thị trường các tỉnh phía nam. Kề đó là làng chế biến nước mắm truyền thống Cửa Khe ở xã Bình Dương với hơn 200 hộ sản xuất đem về cho địa phương doanh thu mỗi năm ít nhất 4 tỷ đồng.

Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, giai đoạn ngắn hạn, địa phương vẫn ưu tiên quy hoạch vùng, xúc tiến quy hoạch chi tiết, mời gọi đầu tư phát triển một số điểm giải trí, gắn với hệ thống khách sạn, nhà hàng ẩm thực tại biển Bình Minh và triển khai mô hình lưu trú cộng đồng tại làng du lịch sinh thái sông Trường Giang. “Để tạo sức hút, chúng tôi tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm nước mắm Cửa Khe, làng nghề hương, rau sạch Bình Triều, thiết kế một số sản phẩm hàng lưu niệm bản địa nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu địa phương ra ngoài tỉnh” - ông Bảo cho biết.

Vực dậy nông thôn

Sự phát triển của Thăng Bình trong những năm gần đây là sự góp mặt của hàng chục doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động địa phương. Cùng với đó là chủ trương khôi phục nhiều làng nghề như mây tre đan, sản xuất bún phở khô, bánh tráng, đồ gỗ mỹ nghệ. Tính riêng giai đoạn 2010 - 2014, doanh thu từ các ngành dịch vụ trên địa bàn huyện đạt 1.212 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 23,6%. Đề án phát triển thương mại - dịch vụ của huyện được triển khai phù hợp với phát triển đô thị, nông thôn. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều có chợ, với tổng số gần 1.500 hộ kinh doanh cá thể. Đây là tiền đề cho Thăng Bình dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu phố chợ, chợ trung tâm, đầu mối và chợ nông thôn. Trước mắt, Thăng Bình phát triển siêu thị quy mô vừa tại thị trấn Hà Lam; hình thành các khu thương mại - dịch vụ ở các điểm dân cư tập trung, trung tâm xã, trong các khu - cụm công nghiệp, dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã…

Huyện ủy Thăng Bình xác định, tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) đang và sẽ là lĩnh vực ưu tiên đầu tư, tái cơ cấu ngành kinh tế. Ở vùng chuyên canh cây trồng tập trung, bắt đầu xuất hiện các giống lúa lai chất lượng cao, vùng sản xuất rau sạch, cánh đồng mẫu lớn. Năm 2015, cánh đồng sản xuất hạt giống lúa lai có diện tích 155ha sẽ thử nghiệm trên cánh đồng Bình Trung hứa hẹn sẽ là nguồn cung cấp giống lúa giá trị cao của tỉnh. Xã Bình Tú là địa phương đầu tiên của huyện vừa mới công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tiễn vùng nông thôn chuyển dịch do Nhà nước đầu tư và nguồn lực đóng góp rất lớn từ nhân dân. Các chương trình giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, hạng mục thủy lợi hóa đất màu huy động được xã hội hóa tham gia, trong đó nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng. Hơn 70% diện tích canh tác trên địa bàn đảm bảo được nước tưới tiêu, cao hơn nhiều mức bình quân của tỉnh. Ngay cả vùng sản xuất vốn là “sa mạc cát” qua các xã Bình Trung, Bình Nam, Bình Sa cũng đang dự trù xây dựng trạm bơm Tứ Sơn với vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng.

Tuy là địa phương chưa khai thác thế mạnh về biển, nhưng Huyện ủy Thăng Bình đã xây dựng Chương trình hành động về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và đề án Phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2014 - 2020. Từ chỗ chỉ có vài phương tiện đánh bắt xa bờ, đến nay vùng biển Bình Minh, Bình Hải có hơn 100 tàu thuyền công suất lớn, trong đó 17 tàu công suất 400CV trở lên. Ông Phan Công Vỹ - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm huyện đạt doanh thu hơn 180 tỷ đồng từ ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản (chiếm 28,8% trong cơ cấu tỷ trọng nông nghiệp). Với tầm nhìn chiến lược, tương lai không xa các xã vùng đông sẽ có “tập đoàn tàu thuyền” đủ mạnh để vươn khơi, kèm theo đó là hậu cần nghề biển phát triển góp phần giải quyết đáng kể lực lượng lao động địa phương. Trong khi đó, hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh ra đời, doanh nghiệp đầu tư nhà máy công nghiệp đã dịch chuyển từ lao động thuần nông theo thời vụ sang làm việc thường xuyên hơn. Nhờ thay đổi ngành nghề nên thu nhập bình quân của người lao động tăng. Hiện các xã Bình Trung, Bình Tú, Bình An, Bình Định Bắc, Bình Quý... có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 21 triệu đồng/năm.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU