Phát triển Quảng Nam giai đoạn 2016-2020: Mục tiêu & động lực

TRỊNH DŨNG 20/03/2015 08:15

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 21 (khai mạc sáng nay) sẽ tập trung đánh giá tình hình phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp; trên cơ sở đó, thảo luận bước đầu về việc xác định những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cho 5 năm đến (2016-2020). Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Quảng Nam đặt ra mức tăng trưởng GRDP bình quân 11%/năm.

Mục tiêu

Theo Sở KH&ĐT, dự kiến 5 năm tới (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh sẽ đạt 11%/năm, GDP bình quân đầu người dự kiến 3.600USD vào năm 2020 và tổng vốn đầu tư khoảng 130.000 tỷ đồng. Con số ước định này được cơ quan quản lý dựa vào dự báo kinh tế thế giới sẽ có khả năng hồi phục, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển và Khu kinh tế mở Chu Lai được xác định là một trong các khu kinh tế được ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước về phát triển hạ tầng đến năm 2020. Sự ổn định của nhiều dự án lớn còn hiệu lực, kinh tế vĩ mô ổn định cho phép Quảng Nam hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều dự án lớn, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ, mạng lưới hạ tầng, nhất là giao thông tăng trưởng mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Các hạ tầng then chốt như giao thông, cảng biển, khu kinh tế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu tiếp tục được đầu tư nâng cấp trong vòng 5 năm tới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các hạ tầng then chốt như giao thông, cảng biển, khu kinh tế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu tiếp tục được đầu tư nâng cấp trong vòng 5 năm tới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo kế hoạch này, trong 21 chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX chỉ có tốc độ tăng GDP được hoạch định giảm nhiều so với trước đây khi chỉ dự báo khoảng 11%, còn lại 20 chỉ tiêu khác đều tăng, thậm chí có tỷ lệ được đẩy cao như cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 90% và nông nghiệp chỉ còn dưới 10%, giải quyết việc làm trung bình 40.000 người/năm. Các chỉ tiêu về môi trường cũng đã được xác lập cao hơn mức của vùng và cả nước, nhất là tỷ lệ che phủ rừng, xử lý chất thải rắn, nguy hại và khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%. Tại cuộc họp thông qua các báo cáo kinh tế - xã hội ngày 13.3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cần phải tìm kiếm một con đường tốt nhất cho phát triển. Hiện tại Quảng Nam đang đứng vị trí thứ 3 trong vùng duyên hải miền Trung, nhưng để phát triển cần liên kết vùng, không thể đứng một mình như trước nữa. Từ phát triển vùng, địa phương sẽ xác định mục tiêu phát triển hạ tầng, doanh nghiệp và giải quyết bài toán chuyển dịch kinh tế lao động cần cơ chế, định hướng đầu tư vào khu vực nông thôn; đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhân lực chất lượng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp…

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mục tiêu của Quảng Nam vẫn là việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Tiếp tục thực hiện ba mũi đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ… Quan trọng nhất là tập trung phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng liên kết vùng đô thị, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.

Tìm động lực

Để đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm tới, UBND tỉnh và các ngành chức năng cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn, lo lắng. Tại cuộc họp về kế hoạch phát triển 5 năm tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín phân vân trong vòng 5 năm tới sẽ không biết làm cách gì để có thể đạt được tất cả chỉ tiêu đề ra, khi hiện tại nhiều chỉ tiêu chưa thể đạt được, thậm chí còn cách quá xa so với yêu cầu.

Có khá nhiều lý do để băn khoăn khi nhìn vào thực tế đầu tư và phát triển của Quảng Nam. Thực tế, Quảng Nam hiện tại vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu nhìn vào tổng vốn đầu tư của giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp hai lần giai đoạn 2006 - 2010 thì số vốn đầu tư trong vòng 5 năm tới sẽ vào khoảng 130.000 tỷ đồng là con số được xác định. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả nguồn vốn đều tăng đồng đều. Phía vốn tín dụng, hệ thống ngân hàng cam kết mở rộng tín dụng, sẵn sàng cung ứng đủ vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy tín dụng tăng trưởng khoảng 13 - 15%. Cơ quan quản lý chỉ có thể lượng hóa chính xác vốn ngân sách, còn lại sẽ không dễ dàng để tính toán việc thu hút các nguồn lực khác cụ thể sẽ là bao nhiêu. Nguồn đầu tư từ ngân sách ngày càng suy giảm, vốn FDI chưa thể xác lập, động lực kinh tế tư nhân còn dè dặt đang là vấn đề khó khăn trong việc điều hành, tạo động lực cho đầu tư phát triển của Quảng Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp thì kích cầu vốn từ khu vực FDI và tư nhân là nguồn bù đắp chính cho sự gia tăng của tổng vốn đầu tư xã hội. Không chỉ doanh nghiệp FDI tăng vốn, mở rộng sản xuất gia công xuất khẩu hoặc phục vụ thị trường nội địa, khối doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Mỗi năm có khoảng 650 doanh nghiệp mới ra đời, đồng nghĩa sẽ có thêm một lượng vốn từ khu vực này được đưa vào thị trường, nhưng cũng có khoảng 400 doanh nghiệp phải đóng cửa. Song hiện thời, quyết định đầu tư của khu vực này vẫn còn dè dặt bởi dòng tiền vẫn ở đâu đó chứ chưa đi vào kinh doanh. Ngay cả thống kê từ năm 2006 - 2015, tổng vốn đầu tư xã hội gia tăng, nhưng ngoài vốn ngân sách, tín dụng, vốn khác đều gia tăng thì nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp giảm sút đến hơn 13,2%. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi hiện thời cũng chỉ chiếm khoảng 49%. Có thể thấy việc tăng vốn trong ngắn hạn là rất khó. Nguồn lực này chỉ có thể tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, khả năng tìm vốn từ doanh nghiệp sẽ không dễ dàng như dự báo.

Nguồn vốn ít, nhu cầu đầu tư nhiều, nhất là hạ tầng kinh tế hiện lúng túng không biết tìm đâu ra nguồn lực để đầu tư, trong khi rất nhiều dự án đang rất cần hoàn thiện để phát huy hiệu quả. Liệu kế hoạch đầu tư tổng vốn toàn xã hội 130.000 tỷ đồng và các chỉ tiêu tăng trưởng có đạt được kế hoạch khi nguồn lực khan hiếm hay không? Điều này rất cần năng lực điều hành của chính quyền và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG