Hợp tác xã nông nghiệp: Chỗ dựa của nông dân

NGUYỄN DƯƠNG 16/01/2015 09:16

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được xem là nòng cốt để phát triển nền nông nghiệp, chỗ dựa để nông dân nâng cao thu nhập.

Cầu nối

Trong những năm qua, kinh tế hợp tác nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng ở Quảng Nam đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 133 HTX nông nghiệp. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, trở thành chỗ dựa tin cậy cho xã viên, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Những kết quả và thành tích đã đạt được ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Tài, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong nông nghiệp, nông thôn, HTX nông nghiệp đóng vai trò chủ lực hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đặc biệt là những hộ nghèo. Vì quá trình hình thành phát triển của HTX nông nghiệp hoàn toàn tự nguyện, hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Do đó, HTX nông nghiệp là tổ chức có khả năng tiếp cận trực tiếp với nông dân, nắm bắt được nhu cầu của nông dân và kịp thời cung cấp những dịch vụ phù hợp với chất lượng tốt nhất và chi phí thấp nhất.

Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.D
Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.D

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đòi hỏi ngày một cao, người nông dân phải chịu nhiều chi phối nhất định của những yếu tố như cạnh tranh thị trường, biến động giá cả, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn đầu vào và đầu ra cho sản phẩm… Nếu không có tổ chức đại diện có uy tín bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân thì việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn khó có thể thực hiện hiệu quả và bền vững. HTX nông nghiệp đã và đang làm được những điều này, chính vì vậy trở thành tổ chức kinh tế thiết thân với nông dân. “Với vị trí pháp lý của mình, HTX nông nghiệp là tổ chức làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần giải quyết các mối quan hệ sản xuất giữa HTX với các cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế - xã hội có liên quan đến người lao động. Đồng thời tiếp nhận và chuyển giao các chương trình, các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân sản xuất, cải thiện đời sống…” - ông Nguyễn Văn Gặp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Mở rộng sản xuất, kinh doanh

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có một tiêu chí đánh giá rất quan trọng chính là phát triển kinh tế tập thể, HTX của từng địa phương (tiêu chí thứ 13). Theo ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, điều đầu tiên phải nói đến chính là sự phù hợp của kinh tế HTX trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay. Có phù hợp mới có thể tồn tại và phát triển, và thực tiễn đã chứng minh điều đó. Thông qua HTX, các đường lối, chủ trương phát triển được phổ biến cho nông dân; đồng thời giúp sản phẩm nông nghiệp tìm được đầu ra, đầu vào ổn định, các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng một cách linh hoạt hơn…

“Vai trò của HTX nông nghiệp là không thể chối bỏ, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt công tác hỗ trợ phát triển HTX. Để các HTX nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò của mình cần phải tạo điều kiện để những HTX này có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển ổn định và bền vững, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...”.
(Ông Nguyễn Thanh Tài, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam)

Với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. “Phát triển kinh tế tập thể là hết sức cần thiết bởi nó đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Thực tiễn của địa phương đã minh chứng cho điều này rõ nhất. Các dịch vụ nông nghiệp của HTX đã đáp ứng đúng nhu cầu của nông dân, qua đó giải quyết được những khó khăn mà lâu nay họ gặp phải...” - ông Võ Thanh Anh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) nói.

Hiện nay, trên toàn tỉnh, các HTX nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cùng với chính quyền địa phương tham gia phát triển kinh tế của địa phương như: hoàn thành nhiều tuyến kênh mương, cứng hóa giao thông nội đồng, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích... Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như việc liên doanh, liên kết trong sản xuất giống, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân như HTX Điện Phước 1, HTX Điện An 1, Điện Minh 2, Đại Hiệp, Đại Thắng... Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh như HTX Duy Thành, Phú Đông, Hương An, Đại Quang, Điện Ngọc 1…

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG