Nông dân làm du lịch
Nhằm tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, phường Cẩm Châu (TP.Hội An) đã phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn và người dân địa phương xây dựng mô hình “nông dân làm du lịch”, bước đầu đem lại hiệu quả.
Phường Cẩm Châu có 2.480 hộ với khoảng 11.000 nhân khẩu, phần đông người dân nơi đây sản xuất nông nghiệp. Đặc trưng của vùng Cẩm Châu là người dân còn giữ được nhiều ruộng vườn, trồng các loại hoa, rau màu. Mô hình nông dân làm du lịch tại phường Cẩm Châu là mô hình đầu tiên tại Hội An được địa phương triển khai cho các doanh nghiệp là con em tại địa phương và người dân sở tại. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân, cùng nông dân tham gia làm đất, bón phân, trồng rau màu; cày, bừa, tát nước, gieo mạ, trồng lúa; bắt cá đồng, bắt tôm trên đìa… Ông Lương Sơn - Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho biết: “Địa phương hiện còn giữ đựơc khung cảnh vùng thôn quê. Tuy tiếng là phường nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khối phố An Mỹ mà phường chọn làm thí điểm mô hình nông dân làm du lịch có diện tích 105ha, khoảng 75% người dân làm nông nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập ngay trên cùng một diện tích đất nông nghiệp mà người dân không cần phải đầu tư thêm nhiều về tư liệu sản xuất”.
Du khách trải nghiệm cấy lúa cùng nông dân. |
Khi tham gia mô hình nông dân làm du lịch, du khách không chỉ trực tiếp trồng trọt mà còn được người dân tại địa phương hướng dẫn làm những món ăn đặc trưng của Hội An như xay gạo bằng cối đá, tráng bánh và chế biến mỳ Quảng, gói tam hữu, đúc bánh xèo, nướng lụi cá lóc bằng rơm… ngay trên những con đường làng vùng Cẩm Châu. Sau khi trải nghiệm các công đoạn về chế biến những món ăn, du khách sẽ được thư giãn bằng hình thức ngâm chân trị liệu, xoa bóp chân ngay trong nhà dân hoặc trên những con đường làng và thưởng thức những điệu hò khoan đối đáp, bài chòi… do chính người địa phương thể hiện. Ông Phạm Vũ Dzũng - Giám đốc Công ty Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng cho biết: “Sau khi thu thập ý kiến của du khách, chúng tôi quyết định phối hợp với phường Cẩm Châu và người dân mở ra mô hình du lịch này. Vẫn biết rằng, để người dân làm nông nghiệp chuyển sang làm du lịch - dịch vụ là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch là sẽ bố trí các chuyên viên của các công ty du lịch xuống tham gia đào tạo cho người dân theo hướng vừa học vừa làm. Đồng thời tư vấn và ký hợp đồng với phường Cẩm Châu cũng như người dân về mức độ hưởng lợi khi tham gia mô hình này”.
Theo ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, là thành phố du lịch nhưng Hội An không thể cứ khư khư khai thác quanh khu vực phố cổ. Như vậy, du khách sẽ nhàm chán và điều quan trọng hơn là nếu tập trung quá đông du khách trong phố cổ cũng sẽ ảnh hưởng đến không gian chung. Việc doanh nghiệp, phường Cẩm Châu và người dân mở ra mô hình nông dân làm du lịch đã tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của thành phố, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với người dân vừa đưa khách đến, vừa đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nhân dân địa phương và phải xác định rằng “mỗi người làm du lịch là một sứ giả du lịch”. Bên cạnh đó, phường Cẩm Châu cần quy hoạch tổng thể về mô hình du lịch này, đảm bảo an ninh trật tư, an toàn cho du khách…
HÀ DƯƠNG