Xoay xở trả nợ không dễ
Ngân sách thiếu hụt, không đủ nguồn lực để trả nợ đang là mối quan tâm của Quảng Nam. Nhưng một giải pháp hiệu quả lưỡng toàn cho việc này vẫn đang bị “bế tắc”.
Nợ triền miên
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện số nợ của Quảng Nam đã lên đến 3.853 tỷ đồng. Nhiều nhất là khoản nợ từ nguồn ngân sách địa phương tự cân đối (khoản 2.282 tỷ đồng), nợ từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ là 978 tỷ đồng và nợ từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) là 593 tỷ đồng. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) của các dự án tỉnh quản lý là 1.508 tỷ đồng; nợ vay Ngân hàng Phát triển cho các chương trình giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương còn lại phải thanh toán là 314 tỷ đồng; nợ vay tồn ngân kho bạc và ứng trước ngân sách 626 tỷ đồng. Ngoài ra nợ đọng trong XDCB từ nguồn ngân sách địa phương tự cân đối khoảng 774 tỷ đồng, nhiều nhất là Tam Kỳ (227 tỷ đồng), Thăng Bình (100 tỷ đồng), Tây Giang (98 tỷ đồng), Nam Trà My (85 tỷ đồng), Quế Sơn (83 tỷ đồng), Duy Xuyên (77 tỷ đồng), Hội An (86 tỷ đồng)…
Các công trình, dự án đang dang dở đều thuộc vào các dự án bị nợ đọng, thiếu nguồn lực đầu tư. Ảnh: T.DŨNG |
Theo thống kê, gần như 1.426 dự án còn hiệu lực (42 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng) đều mắc nợ, khó có khả năng chi trả. Theo nhận định của cơ quan quản lý, việc gia tăng đầu tư công, trong đó có đầu tư phát triển không phải là nguyên nhân gây ra bất ổn mà chính là do việc lập, thẩm định, phê duyệt, giám sát, đánh giá chất lượng dự án đầu tư và quy trách nhiệm cụ thể… đã không được thực hiện một cách chặt chẽ. Hệ quả là đầu tư dàn trải, chi phí đầu tư tăng cao, hiệu quả đầu tư thấp… dẫn đến vượt khả năng trả nợ của ngân sách. Thực tế, từ năm 2006 đến nay, chính quyền địa phương toàn quyền quyết định dự án đầu tư, phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển. Sự phân cấp nhưng thiếu hậu kiểm đã dẫn đến tình trạng quá tải về dự án và nợ chồng lên nhau khiến ngân sách không đủ nguồn lực để chi trả. HĐND chịu trách nhiệm lập dự toán chi tiêu công và quyết định việc phân bổ ngân sách cho đầu tư công trong phạm vi ngân sách cấp mình, song vì nhiều lý do, các kế hoạch đầu tư của chính quyền thường được thông qua. Hệ quả của sự phân cấp triệt để về phê duyệt dự án và giao vốn đầu tư đã làm bùng nổ các dự án công. Phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt xa khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và TPCP. Có thể thấy nguyên ngân dẫn đến nợ đọng kéo dài là vì sự đầu tư dàn trải trong khi số vốn quá ít. Nếu như áp dụng nguyên tắc vốn đến đâu thi công đến đó thì tình trạng nợ đọng đã không thể như hiện nay. Tuy nhiên, để “chạy theo thành tích”, tiến độ, nhiều chủ đầu tư vẫn ép nhà thầu thi công dù không biết tìm vốn hay cân đối vốn từ đâu. Do vậy, khi công trình hoàn thành hoặc dở dang thì việc thiếu vốn trả nợ là điều chắc chắn xảy ra.
Nợ đọng XDCB đã dẫn đến hệ lụy xấu một khi nhiều dự án chưa được thanh toán hết cho nhà thầu. Chủ đầu tư nợ nên doanh nghiệp không có vốn để thi công các công trình tiếp theo. Vòng luẩn quẩn về nợ đọng là chính quyền địa phương - chủ đầu tư các dự án XDCB có vốn từ ngân sách nhà nước nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp khác, kéo theo một mối nợ dây chuyền. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng theo quy định phải xác định rõ nguồn vốn nhưng nhiều dự án không tiến hành đúng quy trình nên đã xảy ra tình trạng không có kinh phí để tiếp tục đầu tư.
Không dễ trả nợ
Ngân sách nhà nước Quảng Nam đang khá “bế tắc” trước việc trả nợ đọng các dự án XDCB tồn tại từ nhiều năm qua. Theo ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, ngân sách đầu tư năm 2015 sẽ dành 84% vốn để trả nợ và đối ứng. Chỉ 16% vốn đầu tư cho khởi công 20 dự án mới. Khả năng để bố trí thanh toán các khoản nợ đọng trong XDCB thuộc các dự án hỗ trợ từ ngân sách trung ương là bảo đảm kiểm soát không để phát sinh. Áp lực nặng nề nhất là các khoản nợ đọng từ ngân sách địa phương chưa biết làm sao để cân đối trả nợ, khống chế nợ theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đó là hàng năm phải bố trí tối thiểu trên 700 tỷ đồng ở các cấp ngân sách để thanh toán khối lượng nợ đọng XDCB của các năm trước, chưa kể các khoản phát sinh trong năm. Ngoài ra, trong năm 2014 và dự kiến 2015, cần phải bố trí tối thiểu 500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư hoàn thành một số dự án trọng điểm như cầu Cửa Đại khi tổng mức đầu tư 3.450 tỷ đồng nhưng ngân sách trung ương mới chỉ hỗ trợ 1.700 tỷ đồng. Nhu cầu để thông xe kỹ thuật phải bổ sung 500 tỷ đồng. Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng, ngân sách đã bố trí 253 tỷ đồng (trung ương đã hỗ trợ 198/250 tỷ đồng) và nhu cầu vốn để hoàn thành các hạng mục thiết yếu trong năm 2015 cần 30 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị các cơ quan quản lý cần rà soát lại tất cả nguồn vốn đầu tư, dự án của tỉnh. Sớm có hệ thống tiêu chí các dự án đầu tư công. Cần khống chế nợ, tiếp tục thẩm tra các dự án đầu tư dang dở, chuyển tiếp, kiểm tra các dự án đầu tư để xem xét có thể tiếp tục đầu tư hay là dừng, kiểm tra sự phân cấp và kiểm soát nợ tại các địa phương. Từ nay về sau, tất cả chủ trương đến quyết định đầu tư dự án đều phải thông qua HĐND. Nếu không xử lý rốt ráo chuyện này thì việc đầu tư công trình dàn trải, nợ đọng XDCB sẽ lại ngày càng gia tăng, ách tắc vẫn như cũ. Áp lực trả nợ lên ngân sách ngày càng nhiều. |
Theo các nhà đầu tư tài chính, nếu ngân sách Quảng Nam không sử dụng cho đầu tư phát triển thì ngân sách mới có thể trả hết khoản nợ này trong vòng 2 hay 3 năm tới, nhưng điều ấy không thể xảy ra vì không thể không tiếp tục dành vốn cho đầu tư phát triển. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng, nếu không đầu tư thì địa phương sẽ khó có cơ hội phát triển. Nhưng khi khan hiếm nguồn lực, cần tuân thủ các quy trình dự án đầu tư. Rất cần một đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, cân đối nguồn vốn đầu tư, dự báo tiến độ thi công và thời hạn hoàn tất việc trả nợ. Tất cả dự án đều phải tính toán trên cơ sở nguồn lực tài chính địa phương. Không thể tùy hứng, không thể cứ ưng, cứ muốn là khởi công công trình, bất chấp quy trình và không xác định được nguồn vốn ở đâu?
Việc trả nợ đã khó, nhất là khoản nợ dây chuyền tại các doanh nghiệp đang vướng vào vòng luẩn quẩn đầu tư công có nguy cơ phình to. Ngân sách năm nào cũng giải quyết trả nợ nhưng khoản trả ấy chỉ đủ để doanh nghiệp trả lãi ngân hàng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước vẫn không thể tìm được lời giải cho bài toán trả nợ hiệu quả thì nợ công đến thời điểm nào đó sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Quảng Nam, kéo theo sự “chết oan uổng” của không biết bao nhiêu doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy này. Nhiều người nói chỉ cần ngân sách có tiền, chính quyền trả được một phần nợ đọng XDCB, nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh. Còn không, liệu Nhà nước có dám tính đến việc chuyển các khoản nợ của chính quyền với doanh nghiệp sang hình thức Nhà nước nợ ngân hàng để cứu những doanh nghiệp không đáng chết vì kiểu nợ này? Có lẽ đây cũng là ý kiến hay cần các cơ quan quản lý xem xét!
TRỊNH DŨNG