Tổ hợp tác chăn nuôi

HỒNG ANH 01/11/2014 08:45

Nhiều năm qua, Tổ hợp tác chăn nuôi của thôn Mỹ Thuận (Đại Nghĩa, Đại Lộc) ra đời từ sự đồng thuận, đồng lòng của bà con xóm giềng trong thôn và ngày càng lớn mạnh với 30 hộ tham gia.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường dân sinh và tăng hiệu quả kinh tế, 30 hộ chăn nuôi trong thôn Mỹ Thuận đã chung sức lập nên trang trại chăn nuôi tập trung theo mô hình tổ hợp tác. Ông Phan Ngọc Hùng, một người dân trong thôn chia sẻ: “Gia đình tôi ngoài làm 2 sào rau màu luân canh còn đầu tư nuôi thêm 2 con bò lai sind. Mỗi năm, cả hoa màu và chăn nuôi đem lại cho chúng tôi nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Nhờ tham gia tổ hợp tác mà chúng tôi mới có được ngày hôm nay bởi chính sự luân phiên trông coi, quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi giữa bà con đã tạo điều kiện cho nhau ổn định và phát triển kinh tế”.

Dù mô hình ban đầu ra đời theo kiểu tự phát nhưng ý thức của bà con tham gia rất cao. Người dân chia nhau trông nom, chăm sóc và quản lý vật nuôi, tới phiên ai là người ấy trực, người trực phải làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm đối với trang trại tập trung. Không chỉ quản lý vật nuôi, người trực còn phải để ý quan sát xem đàn bò con nào có biểu hiện lạ để thông báo cho gia chủ tìm cách chữa trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan cho đàn. Hiện, tổng đàn bò của khu chăn nuôi lên đến 150 con, chủ yếu là giống lai sind, giống Rockman đỏ, trắng và siêu thịt, vốn là giống có giá thành cao, dễ tiêu thụ, chất lượng thịt tốt. Bà con trong tổ người đi trước hỗ trợ giúp đỡ người đi sau, người có kinh nghiệm dẫn dắt người mới vào nghề chăn nuôi. “Bà con trong tổ ai nấy cũng giúp đỡ lẫn nhau, không câu nệ. Lúc trước, mới tập tành chăn nuôi nhưng tôi rất may là có mấy anh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh, kể cả đỡ đẻ lúc vật nuôi trở dạ. Cũng chính vì chia sẻ, phân công trực nên ai cũng có thời gian dư dôi để làm hoa màu và các công việc khác tăng thu nhập, không phải quanh năm suốt tháng quần quật với đàn vật nuôi như trước” - ông Phan Ngọc Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Hoa - Trưởng thôn Mỹ Thuận cho biết, nhóm hộ chăn nuôi đã góp sức xây dựng chuồng trại, có trại nghỉ dành cho người ở lại trông nom bò. Tổ trực phải thay nhau dọn dẹp sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại, khử trùng xử lý môi trường, định kỳ tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi. Những năm gần đây, mô hình tổ hợp tác chăn nuôi đã phát huy hiệu quả đáng kể. Đến nay, hộ ít nhất có 2 con bò, hộ nhiều thì lên đến hàng chục con với doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh chủ động nguồn thức ăn dự trữ, bà con còn tận dụng diện tích cỏ tự nhiên ngoài bờ sông, đồng trống để tăng nguồn thức ăn cho gia súc. “Chúng tôi đang đề nghị địa phương tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh cho các thành viên tổ hợp tác, giúp bà con chủ động nguồn phân gia súc để tạo phân vi sinh, bón cho hoa màu, đồng ruộng vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong chính quyền, ngành nông nghiệp xã và huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ mở rộng quy mô khu chăn nuôi để người dân được hưởng lợi” - ông Hoa nói.

HỒNG ANH

HỒNG ANH