Tăng cường vị thế hàng Việt

CHIÊU THỤC ANH 25/10/2014 11:44

Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo được chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng trong nước.

Thay đổi tâm lý tiêu dùng

Trong hai quý đầu năm 2014, Sở Công Thương đã thực hiện hơn 10 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới tại các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Phú Ninh… Tại những phiên chợ này, các doanh nghiệp phối hợp đã đưa những mặt hàng sản xuất trong nước,  có chất lượng đến tay người dân ở vùng sâu, vùng xa. Chị Nguyễn Thị Thùy An (khối phố Tiên Bình, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) chia sẻ: “Người dân ở vùng nông thôn chúng tôi mong muốn được mua hàng tốt, chất lượng trong nước để đảm bảo an toàn sức khỏe. Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn như thế này ngoài việc được hưởng những chính sách khuyến mãi còn là cơ hội để tham quan, cách nhận biết hàng thật, hàng giả”.

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, đưa hàng Việt về nông thôn nằm trong chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia, được Sở Công Thương tổ chức khá quy mô và chu đáo. Trong thời gian đến, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thay đổi hành vi, tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường chất lượng và công tác hậu mãi tốt là yếu tố góp phần đưa hàng Việt thành công ngay tại sân nhà. Trong ảnh: Công ty Sữa Vinamilk đo loãng xương cho người tiêu dùng tại TP.Tam Kỳ.
Tăng cường chất lượng và công tác hậu mãi tốt là yếu tố góp phần đưa hàng Việt thành công ngay tại sân nhà. Trong ảnh: Công ty Sữa Vinamilk đo loãng xương cho người tiêu dùng tại TP.Tam Kỳ.

Bên cạnh đó, trong nhiều tháng qua, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cũng thường xuyên có những chuyến hàng “Tự hào hàng Việt” về các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… song song với việc chạy chương trình ngay tại Co.opMart Tam Kỳ. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cho hay: “Chúng tôi xác định dù chạy chương trình “Tự hào hàng Việt” ở siêu thị hay về các huyện vẫn phải đảm bảo giá tốt nhất và bình đẳng cho tất cả người tiêu dùng. Qua đó, tăng thêm cơ hội quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước, đưa đến gần người tiêu dùng hơn. Hàng Việt chiếm 95% trên kệ, còn lại là hàng  nhập khẩu từ Thái Lan, Mỹ, Malaysia... Hàng nhập khẩu chủ yếu là những sản phẩm Việt Nam không có hoặc chưa sản xuất”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Chị Nguyễn Thị Ánh Đào - nhân viên marketing của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, các sản phẩm sản xuất trong nước thông qua chương trình “Tự hào hàng Việt” đã có doanh số tiêu thụ khá tốt. Một số sản phẩm như nước rửa chén Lix, dầu ăn Tường An… có lúc “cháy hàng” trên kệ. Khảo sát của chúng tôi tại một số các chợ, trung tâm thương mại… cũng cho thấy, phần lớn hàng hóa tiêu dùng cũng được tiểu thương nhập về có xuất xứ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thảo - tiểu thương chợ Tam Kỳ cho biết, hàng hóa bán tại chợ hầu hết có xuất xứ Việt Nam, hàng có nguồn gốc không rõ ràng hoặc xuất xứ Trung Quốc rất ít vì bây giờ người tiêu dùng đã không còn dễ dãi như trước, khi chọn mua hàng đều coi nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7.2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tăng 4% so với năm 2010).  Đặc biệt, báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động các tỉnh, thành cũng chỉ rõ, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

Chính sự thành công của cuộc vận động nên mới đây Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 5 tỷ đồng cho Bộ Công Thương để thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, đề án phát triển thị trường trong nước của Chính phủ gắn với cuộc vận động sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt. Tự mỗi người Việt Nam ý thức được trách nhiệm dùng hàng Việt. Hơn nữa, nhiều sự việc xảy ra liên quan đến chất lượng hàng hóa Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe ở một số nước trên thế giới cũng là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH