Phát triển mô hình tổ hợp tác sản xuất
Gần đây, trên địa bàn huyện Nông Sơn, nhiều mô hình tổ hợp tác (THT) sản xuất ra đời trên cơ sở chuyển đổi quy mô sản xuất hộ cá thể sang nhóm hộ, bước đầu cho hiệu quả khả quan.
Được thành lập vào năm 2013, THT làm đất thôn Trung Nam (xã Quế Trung, Nông Sơn) có 3 thành viên. Cuối năm 2013, từ sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Phòng NN&PTNT huyện theo Cơ chế 33 của UBND tỉnh (cơ chế đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp), THT làm đất thôn Trung Nam đã được hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm 2 máy làm đất 4 bánh, 1 máy cày cầm tay phục vụ cơ giới hóa khâu làm đất cho 30ha đất lúa, đất nông nghiệp cho bà con trong thôn và vùng lân cận. Qua một năm hoạt động, đến nay THT gần như “bao cân” toàn bộ khâu làm đất cho nhiều cánh đồng sản xuất lúa 3 vụ trên địa bàn Quế Trung như cánh đồng Chim Chim, Lò Bó, Đất Sét, Đồng Hương. Ông Võ Hai - Tổ trưởng THT làm đất thôn Trung Nam chia sẻ: “Ban đầu mới thành lập, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhờ sự hỗ trợ kinh phí theo Cơ chế 33 của UBND tỉnh, chúng tôi đã mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Bản thân tôi còn đứng ra hợp đồng với bà con nông dân phục vụ khâu làm đất đảm bảo đúng lịch thời vụ, được nhiều người ủng hộ”.
Không chỉ làm đất dịch vụ, THT còn nhận dịch vụ vận chuyển nông sản như lúa, hoa màu, rơm rạ, phân bón, trung chuyển keo nguyên liệu… cho bà con tới tận nơi. Chỉ tính riêng vụ hè thu 2014, THT đã hợp đồng với 50 hộ dân trong thôn tổ chức làm đất nông nghiệp. Các thành viên trong tổ còn vận động nông dân gieo cấy cùng trà, áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo thu hoạch đúng tiến độ. Mỗi chiếc máy làm đất có thể làm được từ 7 - 10ha đất/vụ, bình quân mỗi máy làm được 10 sào đất/ngày, mỗi mùa vụ, sau khi trừ các chi phí, THT có thể lãi ròng 30 triệu đồng…
Sau gần một năm thành lập, THT ươm giống và dịch vụ trồng rừng của anh Nguyễn Đình Tiến (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) cũng là một trong những mô hình ăn nên làm ra ở Nông Sơn. Ban đầu, THT chỉ có 3 thành viên tham gia sản xuất với tổng diện tích khoảng 3ha. Đến nay, THT không ngừng lớn mạnh, hình thành thêm nhiều cơ sở trên địa bàn huyện và một số khu vực lân cận. Hiện THT này tập trung gieo nhiều loại cây giống như keo tai tượng, xà cừ, keo lá tràm… với số lượng sản xuất mỗi năm đạt 4 - 5 triệu cây giống, mang lại nguồn lợi 350 triệu đồng/năm. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, THT còn giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở việc gieo ươm cây giống để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn huyện, từ khi thành lập tới nay, THT còn hợp đồng làm dịch vụ trồng rừng với khoảng 500 - 700ha rừng đã và đang trong thời điểm gieo trồng với sức tiêu thụ hơn 3 triệu cây giống. Nguồn lợi nhuận hằng năm được THT trích từ 10 - 20% để đóng góp vào các nguồn quỹ phúc lợi của địa phương Nông Sơn.
Hiện trên địa bàn huyện Nông Sơn đã hình thành 8 THT sản xuất nông nghiệp các loại. Ngoài 2 mô hình THT nói trên còn có 6 THT khác như THT làm đất, THT trồng rừng - chăn nuôi bò, THT dịch vụ nước tưới nông nghiệp… hình thành ở các xã Quế Lâm, Quế Ninh, Quế Lộc. Nhận xét về các mô hình nêu trên, ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho hay, mô hình THT làm đất xã Quế Trung hay mô hình THT ươm giống và dịch vụ trồng rừng ở xã Quế Lộc… là một trong những THT sản xuất điển hình có hiệu quả kinh tế, cần học tập, nhân rộng. “Phát huy kết quả bước đầu của những mô hình trên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã còn lại triển khai thành lập THT sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, trình độ sản xuất, chăn nuôi cho bà con nông dân, cung cấp đặc sản vùng miền cho thị trường, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới tại Nông Sơn phát triển có hiệu quả” - ông Thắng nói.
TRIÊU NHAN - MINH THÔNG