Gỡ khó cho doanh nghiệp

TRUNG LỘ 08/07/2014 13:37

Lãi suất ngân hàng giảm nhưng doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp không đơn giản, trong khi đó chi phí đầu vào gia tăng mạnh… đang gây sức ép lớn đối với các DN, cần có hướng tháo gỡ kịp thời.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt là dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế quá yếu. Ảnh: T.LỘ
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt là dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế quá yếu. Ảnh: T.LỘ

Chi chí sản xuất tăng

Khó khăn lớn nhất mà DN đang đối mặt là dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế quá yếu, nợ phải thu lớn, song khách hàng lại trả nhỏ giọt, từ đó dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh; hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho tăng... kéo theo nợ lãi vay ngân hàng ngày càng lớn dần. Trong khi đó, DN vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, nhiều DN vẫn chấp nhận vay với lãi suất cao. Chính sách giảm thuế thu nhập DN cũng bị chính các DN cho là không thực chất, bởi tiếp cận lãi suất vay thấp không phải là đơn giản, trong khi đó, sản xuất kinh doanh đình trệ, không có thị trường tiêu thụ hàng hóa nên lợi nhuận không cao. Do nhiều DN làm ăn thua lỗ, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc làm của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp chiếm khá cao. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có đến 2.371 lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 2.002 người được giải quyết hưởng trợ cấp.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch - đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.222 DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, trong những năm gần đây, số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh gia tăng nhanh. Năm  2013, toàn tỉnh có 186 DN giải thể và 170 DN thông báo ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; có 1.939 DN hoạt động có lãi và có đến 2.124 DN làm ăn thua lỗ. Sáu tháng đầu năm 2014, DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 59 DN giải thể và 163 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. So với cùng kỳ, số DN đăng ký thành lập giảm 11%, DN ngừng hoạt động sản xuất tăng 90%. Tuy nhiên, con số trên chỉ mới là bề nổi, thực tế là các DN còn hoạt động đến thời điểm này cũng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm dần nhưng nhiều DN tiếp cận nguồn vốn vay không đơn giản vì thủ tục rườm rà, trong khi đó chi phí đầu vào gia tăng mạnh đang gây sức ép lớn đối với các DN. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, giá xăng dầu, điện đã 4 lần tăng giá, trong đó giá xăng tăng mức cao nhất từ trước đến nay. Điện, xăng dầu tăng nhanh kéo theo cước phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng theo. Trước nhiều bất lợi đã và đang đặt ra, DN buộc phải chủ động và có phương án điều chỉnh sản xuất kinh doanh để bảo tồn vốn. Ngành dệt may được xem là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong những năm gần đây nhưng do chủ yếu sản xuất gia công là chính nên giá cả nguyên vật liệu và chi phí sản xuất đồng loạt tăng đã gây khó khăn cho DN. Một chủ doanh nghiệp may ở Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ) cho biết, khi ngành điện, xăng dầu rục rịch tăng giá thì liền sau đó, DN nhận được thông báo tăng giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào từ nhiều đối tác cung cấp vật tư. Trước những thách thức này, DN chấp nhận mức lãi thấp nhất để trả thêm các khoản chi phí do giá xăng, giá điện tăng để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho công nhân. Trong khi đó, DN may thường ký kết các đơn hàng sản xuất với các đối tác nước ngoài ngay từ đầu năm hoặc năm trước nên không thể đàm phán, thay đổi đơn giá được.

Tiếp vốn cho doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, tính đến cuối tháng 6.2014, tổng dư nợ vốn tín dụng tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ DN, trong đó nông nghiệp và nông thôn chiếm hơn 31%, hỗ trợ DN chiếm gần 64% tổng dư nợ. Việc thẩm định các dự án cho vay của các ngân hàng hiện nay so với 1 năm về trước đã ít nhiều được nới lỏng. Ngân hàng chỉ xét dự án trên những tiêu chí nhất định chứ không cứng nhắc như trước, nếu đảm bảo thì vẫn giải quyết cho vay. Về thủ tục vay vốn, DN cũng được ngân hàng tạo điều kiện tối đa chứ không có chuyện cố tình kéo dài thời gian. Thậm chí, hiện nay hầu hết ngân hàng đang phải đi tìm dự án khả thi để cung ứng vốn.

Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, thực hiện việc đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng, chủ động tìm kiếm khách hàng, triển khai các gói tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất cho vay. Đáng chú ý, lãi huy động và cho vay ngân hàng giảm dần từ đầu năm đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục giảm dần trong thời gian đến. Hiện tại, lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn đã giảm từ 1 - 2%/năm so với đầu năm, phổ biến ở mức 6 - 8%/năm. Trong khi đó, nợ xấu trên địa bàn đã được kiểm soát ở mức hơn 3,5% trên tổng dư nợ, với khoảng hơn 800 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ. Phần lớn nợ xấu phát sinh thuộc đối tượng vay vốn chủ yếu là DN, chiếm hơn 90% tổng dư nợ xấu.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh mức lãi suất giảm mạnh so với trước đây. Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp (7 - 8%/năm); lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 8 - 11,5%/năm. Dù lãi suất cho vay đã giảm đi rất nhiều, và các ngân hàng thương mại cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn và triển khai các gói tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, nhưng dư nợ tín dụng đầu tư trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm nay vẫn không tăng đáng kể (loại trừ dư nợ tín dụng cho vay ngoài địa bàn). Nguyên nhân là trong những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của DN chưa cao, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nhiều DN không đủ điều kiện vay. Trong thời gian đến, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam sẽ là đơn vị chủ công tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngân hàng sẽ phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh và các ngành liên quan tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu vay vốn và những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay của các DN trên địa bàn của tỉnh. Đây được xem là chiếc cầu nối giúp cho nguồn vốn ngân hàng đến với DN nhanh chóng và hiệu quả hơn.

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ