Khu giết mổ tập trung xã Duy Sơn: Người dân chưa hưởng ứng

NGUYỄN DƯƠNG 01/07/2014 09:19

Được đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng khu giết mổ ở Duy Sơn nhưng đến nay, khu giết mổ này vẫn chưa hoạt động hiệu quả do người dân ít vào điểm giết mổ tập trung.

Đầu năm 2013, khu giết mổ tập trung  do Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn II làm chủ đầu tư với tổng vốn 1,2 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, HTX Duy Sơn II góp vốn 500 triệu đồng)  đi vào hoạt động tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên). Mục đích của khu giết mổ này là chuyển toàn bộ các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở các xã Duy Sơn, Duy Trung, Duy Trinh về điểm tập trung, tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn dịch bệnh… Tuy nhiên, khu giết mổ này chỉ hoạt động vào giai đoạn đầu, còn sau đó hoạt động cầm chừng, dẫn đến thua lỗ. Theo báo cáo của HTX Duy Sơn II, gần một năm trở lại đây các hộ dân chây ỳ trong việc đưa heo vào khu giết mổ tập trung. “Những hộ đã cam kết đưa heo vào khu giết mổ chỉ mang tính đối phó, vài ba ngày mới đưa vào một con. Trong khi đó, lượng thịt thành phẩm không đóng dấu vẫn tràn lan tại các điểm bán nhỏ lẻ và khu chợ Trà Kiệu. Chính vì vậy, hoạt động của khu giết mổ bị ngưng trệ khiến việc kinh doanh bị thua lỗ…” - ông Nguyễn Phước Ly, Phó Giám đốc HTX Duy Sơn II cho biết. Cũng theo HTX Duy Sơn II, từ đầu năm đến nay doanh thu từ khu giết mổ là hơn 50 triệu đồng/2.205 con heo. Mỗi tháng bình quân giết mổ 441 con, đây là con số quá nhỏ, chênh lệch với số lượng thịt thành phẩm được đưa ra thị trường. Tổng chi phí từ đầu năm đến nay cho khu giết mổ là 68,7 triệu đồng, HTX Duy Sơn II chịu lỗ khoảng 18,7 triệu đồng. “Hội đồng quản trị HTX đã đề nghị sự trợ giúp từ UBND huyện, UBND các xã, các ngành chức năng sớm có hướng chỉ đạo triệt để và thường xuyên theo dõi, đôn đốc công tác kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ tại các gia đình…” - ông Ly nói.

Khu giết mổ tập trung tại xã Duy Sơn hoạt động cầm chừng vì các hộ dân không đưa heo tới đây giết mổ. Ảnh: N.D
Khu giết mổ tập trung tại xã Duy Sơn hoạt động cầm chừng vì các hộ dân không đưa heo tới đây giết mổ. Ảnh: N.D

Ông Ngô Phi Thâm - Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, toàn xã có 11 hộ tham gia giết mổ tại khu giết mổ tập trung này. Thời gian đầu, người dân chấp hành rất tốt chủ trương, tuy nhiên từ khi công tác kiểm tra kiểm soát có phần nới lỏng, nhiều hộ bắt đầu không đưa heo tới khu giết mổ mà tự mổ tại nhà. “Tâm lý so đo bắt đầu, người dân bảo tại sao các hộ kia không phải đưa heo tới khu giết mổ được mà mình lại không được?” - ông Thâm nói. Còn ông Đoàn Công Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh thì cho biết: “Tâm lý của người dân là ngại tới khu giết mổ, bởi chi phí phải trả cho một con heo mổ tại đây là 23 nghìn đồng (sẽ giảm dần nếu giết mổ với số lượng nhiều). Trong khi đó, khi giết mổ tại nhà thì chi phí sẽ thấp hơn. Hơn nữa, họ giết mổ với số lượng nhỏ lẻ, bữa làm bữa không, đôi khi có ai đó nhờ mổ heo để làm đám, tiệc nên việc đưa tới khu giết mổ rất khó. Nếu mổ với số lượng lớn thì không sao, nhưng chỉ với một đôi con họ phải vận chuyển heo tới để đấy, tối mới lên mổ rồi đưa thịt về thì khó cho họ quá, chưa kể là khi trời mưa trời gió nữa (theo quy định thì người dân phải đưa heo tới khu giết mổ 6 tiếng đồng hồ trước khi mổ - PV)”.

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho rằng, để cải thiện tình hình này cần phải tăng cường việc giám sát, chỉ đạo rốt ráo. Chính quyền địa phương đã mời người dân đến họp và làm cam kết, nếu tái diễn sẽ xử phạt nghiêm. Cần phải vận động để người dân hiểu được thiệt hơn trong vấn đề này, việc đem heo vào khu giết mổ tập trung là để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường… Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, địa phương đã nghe những kiến nghị xung quanh việc này. “Ban đầu còn có nhiều vấn đề nảy sinh nhưng khu giết mổ này hoàn toàn hợp lý và sẽ vẫn hoạt động bình thường. Để thay đổi một thói quen của người dân không dễ, vậy nên cần phải có sự vào cuộc của các hội, đoàn thể để chấn chỉnh tình hình. Mỗi xã phải tự quản lý trên địa bàn, hộ nào đã quy hoạch mà vẫn giết mổ tại nhà là vi phạm, phải xử lý. Phải tăng cường kiểm tra việc chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, điểm mua bán. Về phía huyện sẽ có sự tăng cường để hỗ trợ công tác này tốt hơn…” - ông Năm cho biết.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG