Thiếu thợ hồ mùa xây dựng
Đang vào mùa cao điểm xây dựng nhưng do thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng nên chủ thầu nhiều công trình phải khó khăn “vật lộn” với tiến độ đề ra.
Mùa nắng năm nay, nhiều công trình xây dựng triển khai khiến lượng nhân công xây dựng thiếu hụt. Chị Lê Thị Thu ở Điện Thọ (Điện Bàn) đã ghi cụ thể ngày bàn giao nhà trong hợp đồng với chủ thầu, ngày đổ sàn đã được ấn định, thế nhưng đa số thợ thi công nhà chị Thu làm theo kiểu “chân đồng, chân thợ” nên khi nào cấn việc đồng áng là họ nghỉ vài ba ngày khiến tiến độ bị chậm trễ. Theo hợp đồng, chủ thầu cam kết thực hiện đúng tiến độ với khoảng 5 - 7 thợ chính và 2 - 3 thợ phụ/ngày nhưng có ngày chỉ lèo tèo vài ba thợ. Sau 4 tháng thi công, thời điểm bàn giao nhà theo hợp đồng đã tới nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thiện... Tương tự, ngôi nhà cấp 4 của anh Nguyễn Văn Hoàn ở Tam Vinh (Phú Ninh) khởi công cách đây hơn 2 tháng nhưng mãi đến nay mới bước vào khâu hoàn thiện. Bởi vì lúc này đang mùa chăm sóc dưa hấu, dặm sạ nên thợ xây nhà cho anh Hoàn (đa số là nông dân ở các xã Tam Đàn, Tam An, Tam Phước, Tam Lộc) đành gác việc lại để tập trung cho việc nhà nông.
Mùa xây dựng ở Quảng Nam hầu như chỉ diễn ra trong những tháng nắng nên chủ thầu tranh thủ nhận thi công các công trình trong dịp này dù trong tay không có nhiều thợ. Chủ thầu cũng như thợ, phụ đều phải “chạy show” qua lại giữa các công trình. Mặt khác, không ít công nhân xây dựng gần đây đã “đầu quân” làm thời vụ cho các đơn vị đang thi công công trình quốc lộ 1 cũng khiến nguồn cung thợ hồ đã thiếu lại càng thêm thiếu. Anh Nguyễn Chánh Thiệt - chủ thầu ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) cho biết, khi nhận thầu công trình, ai cũng muốn thi công đúng tiến độ, tình trạng thiếu thợ xảy ra ngoài ý muốn. Đa số chủ nhà hiểu và thông cảm với chủ thầu nhưng cũng có nhiều người khó chịu, bắt đền hoặc đòi cắt hợp đồng. “Ngược lại, vào những tháng giêng hai, thợ nhiều, công trình ít nên thi công nhanh; nhiều chủ nhà không kịp chuẩn bị vật tư thi công cũng bảo chủ thầu giảm số lượng thợ khiến mình cũng khó xử...” - anh Thiệt cho biết thêm.
Ngoài những lý do nêu trên, tiền công cũng là một vấn đề. So với mặt bằng chung, tiền công thợ ở Quảng Nam thấp hơn ở Đà Nẵng và thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Nam nên các chủ thầu xây dựng khó giữ được chân thợ, nhất là thợ giỏi, có tay nghề vững. Ở Quảng Nam, thợ giỏi có thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày, còn bình quân dao động ở mức 170 - 180 nghìn đồng/ngày; phụ hồ trên dưới 100 nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành phố phía Nam, tiền công cao gấp rưỡi. Theo anh Phan Như Lâm, chủ thầu ở xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn), do phần lớn các chủ thầu ở Quảng Nam chỉ lấy công làm lời, đơn giá thi công thấp; ngay cả chủ thầu cũng phải xắn tay áo lên làm với thợ chứ không đứng chỉ tay năm ngón. Hiện tại, mức giá nhận thầu công trình xây dựng dân dụng ở Quảng Nam dao động trên dưới 700 nghìn đồng/m2 (sàn tầng 1); giá sàn tầng 2 vào khoảng 800 nghìn đồng/m2. Trong khi đó, ở Đà Nẵng và một số nơi khác, giá nhận thầu sàn tầng 2 dao động khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng/m2... Anh Nguyễn Duẩn - một thợ hồ quê Cần Thơ, do hoàn cảnh gia đình nên về đầu quân cho một chủ thầu ở Quảng Nam, nhận mức lương 180 nghìn đồng/ngày. Anh bảo, ở Cần Thơ, anh được trả công 220 nghìn đồng/ ngày, do vậy khi chấp nhận làm việc ở Quảng Nam, thu nhập của gia đình anh giảm hẳn. Tuy nhiên, anh cho biết gia đình anh vẫn có thể dành dụm được, vì ở Quảng Nam các chủ thầu trả tiền công theo tháng chứ không trả theo tuần như ở phía Nam và giá cả sinh hoạt ở đây cũng không quá đắt đỏ.
Hiện tại, nghề xây dựng ở Quảng Nam đang ở vào mùa cao điểm. Hằng ngày, khắp các làng quê ngõ phố lại có thêm những công trình mới được khởi công. Và cảnh thiếu thợ hồ nói chung cũng như việc thợ hồ có tay nghề cao “chạy show” hết công trình nọ đến công trình kia lại tái diễn và có phần căng thẳng hơn...
CHÂU NỮ