Trấn an dư luận
Chủ đề biển Đông không chỉ luôn thời sự trên các mặt báo, diễn đàn hay ở các chương trình nghị sự tầm quốc gia, địa phương mà còn lan cả đến thị trường tài chính ngân hàng.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam nói chưa đến mức lo ngại nhưng cũng đã có dấu hiệu người gửi tiền đến các ngân hàng cổ phần thương mại rút tiền gửi vào các ngân hàng nhà nước trong vài ngày qua. Còn theo các ngân hàng cổ phần thương mại thông báo với tư cách cá nhân rằng họ đang lo ngại khi hiện tượng người dân đến ngân hàng rút tiền về mua vàng, ngoại tệ để dự trữ hoặc làm gì không rõ. Chưa có một thống kê chính xác, ít hay nhiều, mức độ sụt giảm tổng tài sản của các ngân hàng có đáng lo hay không thì chuyện tin đồn (không loại trừ chuyện kích động) hoặc tâm lý đám đông tệ hại, phần nào cũng đã gây hoang mang, tác động thiếu tích cực đến nền kinh tế, làm rối loạn thị trường tiền tệ địa phương. Theo quan sát, có vẻ như trên bình diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý đã lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra nên đã phát đi lời kêu gọi người dân cẩn trọng và bình tĩnh trước những tin đồn để xử lý một cách đúng mực trước những diễn biến không thuận chiều (nếu có). Song điều mà giới ngân hàng và dân chúng địa phương mong muốn là có được những động thái mới nhất từ phía các cơ quan quản lý địa phương trong việc trấn an dư luận thì tiếc thay vẫn chưa đạt được mục tiêu nào cụ thể.
Mới đây, ngày 14.5, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Quảng Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ngồi lại bàn kế hoạch phối hợp giám sát hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Một trong những nội dung hợp tác này là chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, không để tình trạng thông tin sai lệch làm ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng, làm giảm niềm tin trong nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Sự hợp tác diễn ra trong bối cảnh thị trường đầy thông tin này khiến người ta tin là sẽ dễ dàng nhận được cảnh báo, hướng dẫn hoặc giải đáp những thắc mắc hiện thời của công luận về lĩnh vực này, nhưng hiện tại mức độ lan tỏa chỉ diễn ra trên văn bản. Không ít những câu hỏi và các bình luận đặt ra trong dân chúng không biết đâu là tin thật, là tin giả. Sự việc chỉ có thể hóa giải nếu một khi chính cơ quan quản lý tại địa phương đăng đàn để phát biểu hay phát đi văn bản trấn an dư luận. Việc này phải được xem là trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Nếu làm được điều này, chắc chắn rằng người dân sẽ cảm thấy an tâm hơn, tin tưởng hơn khi được nghe lời trình bày trực tiếp. Họ có cảm giác là không bị bỏ rơi trước mê lộ thông tin không biết đâu là xác thực. Khi đăng đàn thông báo, cho thấy cơ quan quản lý đã nắm rất rõ, đang làm chủ tình hình và đang điều hành xử lý. Đó cũng là động thái tác dụng kêu gọi sự hợp tác của người gửi tiền nhằm không để tình trạng xấu có thể xảy ra. Như vậy, công khai, minh bạch mọi chuyện, xét cho cùng sẽ giúp số đông người dân dẹp bỏ sự hoang mang chứ không phải là sự tác động ngược hay cho phổ biến sự âu lo như nhiều người vẫn lo ngại. minh bạch thông tin cũng là cách để giới ngân hàng có thể dễ dàng xử lý những tin đồn hoặc phòng ngừa hiện tượng xấu xảy ra.
TÙY PHONG