Xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch: Thiếu văn bản hướng dẫn

VĨNH LỘC 16/05/2014 09:23

Xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư; tạo cơ sở cho hoạt động du lịch phát triển bền vững, tuy nhiên qua nhiều năm đề xuất, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Nam vẫn chưa thể định hình do những vướng mắc vì thiếu văn bản hướng dẫn.

Chủ động kinh phí

Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, kinh phí dành cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Nam hàng năm chỉ khoảng 250 triệu đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Một con số rất nhỏ nếu so với các địa phương khác như Đà Nẵng hoặc Huế (khoảng 3 - 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, mỗi năm trung tâm phải tổ chức trên 20 đợt xúc tiến, quảng bá (riêng năm 2013 con số này là 30 đợt) nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch Quảng Nam đến các thị trường trong nước và quốc tế nên kinh phí thường thiếu hụt. “Mỗi lần có đợt quảng bá hay đón đoàn famtrip, chúng tôi phải đi vận động kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp, vất vả lắm” - ông Tú tâm sự. Cũng theo ông Tú, việc xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với quy định của Nhà nước (điều 6 của Luật Du lịch năm 2005) nhằm không chỉ giúp công tác quảng bá xúc tiến được chủ động, tránh trình trạng chạy đôn đáo tìm nguồn khi có sự kiện xảy ra mà còn tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc chia sẻ lợi ích từ du lịch mang lại.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ giúp ngành du lịch chủ động kinh phí trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Ảnh: V.L
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ giúp ngành du lịch chủ động kinh phí trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Ảnh: V.L

Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, với ngân sách nhà nước cấp dành cho công tác xúc tiến du lịch mỗi năm như hiện nay cũng chỉ đủ tổ chức các sự kiện nhỏ, trường hợp tham gia các roadshow hay hội chợ du lịch... thì phải huy động sự đóng góp của doanh nghiệp mới đủ kinh phí thực hiện. “Sau khi Luật Du lịch ra đời, chúng tôi cũng đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, thống nhất lập đề án nhưng không thể triển khai được do Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện” - ông Hài nói.

Tại buổi làm việc giữa Sở VH-TT&DL với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh vừa diễn ra tại Tam Kỳ, vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch một lần nữa được đại diện sở đề xuất kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm hướng đến cụ thể hóa những quy định của điều 6 Luật Du lịch cũng như tạo cơ sở pháp lý để ngành du lịch xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch một cách bền vững, phù hợp. “Được hay không còn phải chờ nhưng việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là việc nên làm” - ông Hài khẳng định.

Doanh nghiệp phân vân

Dù mục đích thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà, nhất là các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Theo ông Võ Văn Vân – Giám đốc khách sạn du lịch Công đoàn Hội An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong giai đoạn hiện nay Sở VH-TT&DL nên cân nhắc trước khi triển khai thành lập quỹ vì đa số doanh nghiệp làm ăn khó khăn lại phải đóng nhiều loại phí. “Đến nay Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vẫn chưa nhận thông tin hay văn bản cụ thể nhưng tôi nghĩ các đơn vị sẽ khó đồng tình vì họ đã đóng quá nhiều loại quỹ rồi, đó là chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp (20 – 22%), thuế doanh thu (10%)...” - ông Vân nói. Ngoài ra, tỷ lệ đóng góp của mỗi doanh nghiệp hay loại hình kinh doanh... cũng là điều cần thảo luận nhằm tạo sự bình đẳng cho các bên liên quan.

Không đồng tình với ý kiến trên, theo ông Trần Hưng – Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội (Hội An), việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là hiển nhiên, vấn đề là kiểm soát và sử dụng nguồn quỹ như thế nào vì điều này liên quan đến sự đóng góp tài chính của mỗi doanh nghiệp. Ngoài ra, thời gian đóng góp, số tiền bao nhiêu cũng cần được quy định rõ ràng minh bạch. Đặc biệt, Sở VH-TT&DL nên mở rộng đối tượng đóng góp đến các tiểu thương và hộ kinh doanh cá thể tại Hội An như quán ăn, nhà hàng, shop thời trang, lưu niệm... vì đây là những người trực tiếp hưởng lợi từ du lịch nhưng thời gian qua việc đóng góp trở lại cho phát triển du lịch địa phương rất ít, thậm chí đã bị bỏ sót. “Nếu chỉ khăng khăng tập trung vào doanh nghiệp mà quên các hộ kinh doanh cá thể, vô tình không chỉ làm mất đi một nguồn thu đáng kể mà còn tạo sự bất bình đẳng giữa các cá nhân, đơn vị góp quỹ” - ông Hưng góp ý.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Hài, quá trình lập đề án cũng đã tính đến đối tượng kinh doanh cá thể nhưng chỉ các hộ kinh doanh quy mô lớn, còn phần chính vẫn là doanh nghiệp. Ông nói: “Chúng tôi sẽ dựa trên số phòng và quy mô của doanh nghiệp để huy động sự đóng góp. Ví dụ, mỗi phòng sẽ đóng góp 1USD vào quỹ chẳng hạn...”.  Ông Hài cho rằng, vấn đề quan tâm của doanh nghiệp không phải là số tiền bao nhiêu mà là số tiền đó sẽ được hạch toán trước thuế hay sau thuế. Vì vậy, việc Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn sẽ là nút gỡ tạo cơ sở pháp lý giúp ngành cũng như doanh nghiệp dễ dàng trong việc huy động nguồn lực xã hội vào công tác quảng bá xúc tiến du lịch hiện nay.

Không thể phủ nhận hiệu quả từ công tác quảng bá xúc tiến mang lại cho sự phát triển của du lịch Quảng Nam thời gian qua. Tuy nhiên, việc hạn chế kinh phí cũng đã vô tình làm giảm đi chất lượng quảng bá và thị trường điểm đến. Dù còn phải chờ văn bản hướng dẫn từ Chính phủ nhưng việc triển khai xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thành công sẽ là bước đi phù hợp mang tính đột phá không chỉ đối với công tác quảng bá xúc tiến mà rộng hơn là sự phát triển của du lịch Quảng Nam trong những năm đến.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC