Lời giải nào cho tín dụng "đen"?

TÙY PHONG 23/04/2014 11:31

Không thiếu ý kiến của doanh nghiệp (DN), các cơ quan quản lý về việc tín dụng “đen” đang có cơ hội phát triển, nhưng ngành ngân hàng vẫn chưa thể làm gì để hạn chế tình trạng này.

Đất sống của tín dụng “đen”

Chưa có một thống kê cụ thể, nhưng nhu cầu tín dụng từ hụi và vay “nóng” đã tăng lên đáng kể sau một thời gian ngắn. Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế khó khăn lẫn lãi suất ở mức cao nhiều năm qua đã khiến nhiều DN không thể trả nợ đúng hạn ngân hàng, đã dẫn đến làn sóng vay mượn của các cá nhân để cầm cự, chờ DN vượt ải. Một phân tích khác cũng cho thấy, sự yếu kém của khu vực tài chính chính thức cũng đã khiến tín dụng “đen” có cơ hội phình to ra. Mặc dù các ngân hàng thương mại luôn tuyên bố ưu tiên vốn cho các DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu và lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế các đơn vị này vẫn khó tiếp cận vốn. Điều kiện vay vốn quá khắt khe, thủ tục rườm rà, phát sinh nhiều chi phí đã khiến người đi vay nản chí và buộc phải vay bên ngoài với mức lãi suất khá cao.

Áp lực đáo hạn từ ngân hàng, doanh nghiệp và người dân dễ tìm đến tín dụng “đen”. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.P
Áp lực đáo hạn từ ngân hàng, doanh nghiệp và người dân dễ tìm đến tín dụng “đen”. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.P

Theo Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Quảng Nam, tín dụng ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đạt kết quả mong đợi và dư nợ DN giảm. Giới ngân hàng lý giải về sự sụt giảm này là do khả năng trả nợ ngân hàng của DN suy giảm, nguy cơ rủi ro tín dụng tăng nên các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc xem xét cho vay để hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn tín dụng. Có lẽ chính điều này đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng “đen” bùng phát. Hiện chỉ có khoảng 16/25 ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, 13/25 tổ chức tín dụng đầu tư vào 50 xã xây dựng nông thôn mới và khi 92% DN tại Quảng Nam là DN vừa và nhỏ, nhưng chỉ chiếm có khoảng hơn 20%/tổng dư nợ và chiếm 30,86%/dư nợ các DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Điều đó chứng tỏ ngân hàng “ngại” cho vay tới hộ nông dân, DN nhỏ, còn người dân thì “ngại đi vay” vì cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp, dẫn đến họ tìm đến tín dụng “đen”. Ông Nguyễn Trọng Hòa, chủ một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và thú y hoạt động trên 30 năm qua tại Điện Hòa (Điện Bàn) nói gần như các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu người dân vẫn còn đang ở mức thấp. Ở những giai đoạn khó khăn dân thường cần sự giúp đỡ của ngân hàng, nhưng đôi khi lại gặp khó. Không tìm được tiền, dân đành phải tìm đến tín dụng “đen” vay nóng để duy trì sản xuất, dẫn đến sự bất ổn ở nông thôn.

Chưa có giải pháp

Nhiều nhà kinh tế cho rằng khủng hoảng đương nhiên sẽ mang lại nhiều nguy cơ nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội với chi phí thấp hơn mức bình thường. Đây thực sự là mảnh đất để ngân hàng giành thị phần với khả năng sinh lãi cao. Các ngân hàng nên thật sự ưu tiên vốn cho các DN vừa và nhỏ, khu vực xuất khẩu và nên đánh giá đúng thị trường nông thôn. Thay vì ngồi chờ, các ngân hàng nên chủ động tìm kiếm, lên kế hoạch tiếp xúc khách hàng, rút ngắn hồ sơ, thủ tục vay vốn linh hoạt. Các cuộc vỡ nợ gần đây, lớn như vụ Huyền Như, nhỏ như vụ Yu Mi ở Nam Phước (Duy Xuyên) cho thấy cả tin, cộng với lòng tham nên người ta dễ dàng sập bẫy các con nợ. Lẽ ra, giới ngân hàng phải cảnh báo giúp dân và DN rằng nguyên tắc vàng là mức lãi suất mà người đi vay đưa ra cũng là một chỉ báo về tình trạng tài chính của họ. Do đó hãy tránh xa những nơi đưa ra mức lãi suất huy động cao bất thường.

Tín dụng “đen” dễ thấy hiện nay ở khu vực dân cư là việc thông qua hình thức cho vay để đáo hạn ngân hàng. Trên thực tế, những DN hay hộ kinh doanh vay tiền ngân hàng làm ăn, hết thời hạn, họ phải đem tiền mặt đến ngân hàng để trả và làm thủ tục cho vay tiếp. Thời gian làm thủ tục đối với một DN làm ăn tốt, trả lãi đúng hẹn thường chỉ khoảng 2 ngày. Sau đó tiền sẽ được giải ngân trở lại cho DN. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có được số tiền mà họ đã vay ngân hàng, thường là vài tỷ đồng trở lên trong vài ngày để làm thủ tục vay tiếp. Đó là cơ hội cho dịch vụ đáo hạn ngân hàng xuất hiện, lãi suất tính theo ngày rất cao. Thông thường lãi suất vay đáo hạn sẽ được tính theo ngày, vào khoảng trên dưới 0,5%/ngày. Như vậy nếu vay ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng thì mỗi lần vay tiền ở ngoài để đáo hạn các khoản nợ này, người vay cần phải trả tối thiểu 30 triệu đồng. Như vậy, nếu ngân hàng “cảm thông” với DN có thể hóa giải vấn đề tiền vay khi đáo hạn thì tín dụng “đen” đâu còn mảnh đất để phát triển. Tuy nhiên, có một điều thật lạ là tín dụng “đen” đã nảy mầm rất nhanh trên thị trường và không ít những cơn sóng chấn động xảy ra nhưng phía ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thấy có động thái gì để ngăn chặn làn sóng này.

TÙY PHONG

TÙY PHONG