Khuyến mãi xài thẻ

NHẬT PHONG 11/04/2014 12:56

“Tiêu trước, trả sau” rất tiện ích của thẻ tín dụng đã khiến nhiều người muốn sở hữu và vô tình trở thành con nợ bất đắc dĩ của ngân hàng vì chi tiêu thiếu “kiểm soát”.

TRONG 2 năm gần đây, khi tín dụng doanh nghiệp khó tăng trưởng, các ngân hàng lớn, nhỏ đều mở rộng các chương trình khuyến mãi và giảm giá khi mua hàng hóa thanh toán bằng thẻ tín dụng để thu hút người sử dụng. Giới ngân hàng cho hay, áp lực tăng doanh số thẻ để hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang rất lớn. Thông qua thị trường thẻ này, nhiều ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khá tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn này. Không ít lãnh đạo ngân hàng nhỏ nói việc tập trung khách hàng tín dụng cá nhân là định hướng của các ngân hàng năm 2014, khi không thể đọ sức với các “đại gia” ngân hàng khác ở các mảng tín dụng doanh nghiệp. Vì thế, chẳng lạ gì khi một ngày, bất ngờ nhận được lời chào của ngân hàng rằng anh đã được ngân hàng chọn làm khách hàng để mở thẻ tín dụng đầy tiện ích với độ hấp dẫn “tiêu trước, trả sau”, lúc nào cũng không sợ thiếu tiền. Cuộc chạy đua doanh số thẻ đã khiến không ít người thu nhập trung bình cũng sở hữu một thẻ tín dụng. Ở một số ngân hàng, thu nhập chỉ từ 6 triệu đồng trở lên là đã có thể mở thẻ tín dụng, trong khi những người am hiểu ngân hàng cho rằng thu nhập cao mới nên dùng thẻ tín dụng.

Kiểu “tiêu tiền nợ” này khá hấp dẫn nên đã có rất nhiều người tham gia. Anh Ngô Kinh Tài, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế tự do tại Quảng Nam đang sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng, cho hay thẻ tín dụng trở nên hữu ích khi lâm vào trường hợp khẩn cấp. Cái lợi dễ thấy nhất là có thể mua hàng trực tuyến, quẹt thẻ khi không có tiền mặt, được chấp nhận ở nhiều điểm mua sắm. Nhưng bất lợi lớn nhất của thẻ tín dụng là các loại phí và lãi suất. Những khoản phí lặt vặt cộng lại cũng trở thành lớn với một người có thu nhập trung bình. Phí duy trì thẻ hàng năm 300.000 đồng, phí chậm nộp 4% mỗi lần, phí cấp lại thẻ, phí bản sao kê 100.000 đến 200.000 đồng. Nhiều khi thiếu tiền mặt, rút ở máy ATM sẽ bị đánh phí 4% trên số tiền rút ra. Còn nếu chậm nộp tiền hoặc vượt hạn mức, sẽ bị đánh lãi suất cao hơn 30%/năm. Cái hấp dẫn nhất của thẻ là người sở hữu luôn cảm giác là người có tiền, sẵn tiền, nên nhiều khi rơi vào tình trạng nợ ngập đầu vì thẻ tín dụng. Tuy trở thành gánh nặng thế, nhưng Tài vẫn nói là không thể sống thiếu thẻ dù thu nhập không cao.

Theo các chuyên gia tài chính, khách hàng hiện nay chỉ thấy một kênh mua trả góp mà không chịu đọc hướng dẫn sử dụng dẫn đến nhiều trường hợp bị liệt vào danh sách tín dụng đen và trả những khoản phí vô duyên. Họ khuyến cáo, chỉ khi có thu nhập cao mới tính đến chuyện xài thẻ và thận trọng khi chi tiêu, nhất là tuân thủ các điều kiện của ngân hàng nếu không muốn trở thành con nợ bất đắc dĩ. Chẳng hạn hàng tháng chủ thẻ chỉ trực tiếp thanh toán tối thiểu bằng 4 - 5% số tiền đã chi tiêu, hoặc thanh toán toàn bộ, nhưng nếu thiếu 1.000 đồng thì vẫn bị tính lại chậm trả trên tổng số dư nợ ban đầu. Khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền tại máy ATM, chủ thẻ sẽ bị ngân hàng tính phí trên số tiền đó với tỷ lệ 3 - 5% tùy theo thương hiệu thẻ và nơi rút tiền. Số tiền này còn bị tính lãi vay theo lãi suất ngân hàng công bố kể từ ngày rút tiền đến ngày thanh toán hết nợ khoảng 20 - 24% mỗi năm. Có khi chỉ nợ vài trăm ngàn đồng dẫn đến tâm lý chủ quan thanh toán lúc nào cũng được. Từ đó việc chậm trả nợ kéo dài trong nhiều tháng khiến số tiền phạt ngày càng tăng lên. Ngoài ra, khi thẻ tín dụng hết hạn nhưng chủ thẻ không gia hạn cũng bị thu phí thường niên và phải thanh toán số tiền này theo đúng thời hạn. Nếu không sẽ phát sinh thêm phí về tiền phạt trả chậm.

Vì vậy, một lời khuyên không kém phần bổ ích từ các chuyên gia tài chính, nếu không có nhu cầu bức thiết hay không muốn thể hiện “đẳng cấp” thì những người có thu nhập trung bình hay khá không nên mở thẻ tín dụng làm gì!

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG