Quản lý chất lượng phân bón: Phức tạp và chồng chéo

CHIÊU THỤC ANH 11/04/2014 09:52

Trước thực trạng nông dân các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ liên tiếp mua phải phân bón giả, vừa qua, tại TP. Tam Kỳ, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh trong khu vực đã tổ chức hội thảo, cùng tìm hiểu nguyên nhân và triển khai đợt cao điểm kiểm tra sản xuất kinh doanh phân bón.

Khó quản lý

Tại hội thảo, ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) đã yêu cầu lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên, Bình Định báo cáo lại việc hàng loạt nông dân trên địa bàn mua phải phân bón NPK, kali giả. Theo đó, những ngày đầu tháng 2 vừa qua, nông dân tại các địa phương này sau khi mua phân bón mang thương hiệu “phân bón đầu trâu” của Công ty CP Phân bón Bình Điền về sử dụng đã phát hiện có loại phân giả sản phẩm này. Khi đem phân hòa tan với nước để bón cho dưa thì phân không tan đều trong nước mà vón thành cục đất dẻo như đất bùn. Đến ngày 9.3, kết quả kiểm nghiệm các mẫu phân bón giả này do Chi cục QLTT tỉnh Bình Định công bố, tổng hàm lượng dinh dưỡng của phân chỉ đạt 29,2%, thấp hơn nhiều lần so với phân bón thật (55%). Cũng vào thời điểm đó, ngày 5.3, Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành tiêu hủy hơn 28 tấn phân bón Dung Quất NPK Humic chưa có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Trong tháng cao điểm kiểm tra phân bón, các kênh bán hàng sẽ được quản chặt. Ảnh: C.T.A
Trong tháng cao điểm kiểm tra phân bón, các kênh bán hàng sẽ được quản chặt. Ảnh: C.T.A

Hầu hết lực lượng QLTT tại khu vực Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam đến Ninh Thuận) đều cho rằng, việc kiểm tra kiểm soát ngành hàng phân bón không phải là vấn đề đơn giản. Bởi, hiện việc quản lý chất lượng mặt hàng phân bón thuộc hai ngành, đó là công thương và nông nghiệp. Theo phân công, ngành công thương quản lý các mặt hàng phân bón có nguồn gốc vô cơ, việc xuất nhập khẩu và kinh doanh phân bón…, còn ngành nông nghiệp quản lý các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ. Trong khi đó, hiện nay cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Ở địa phương, việc quản lý chất lượng phân bón cũng chưa đồng nhất. Ngay trong ngành nông nghiệp, có địa phương thì giao phòng trồng trọt, có nơi giao phòng kỹ thuật, hoặc chi cục bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng… Quản lý được phân cấp tưởng như rõ ràng, nhưng thực tế lại là sự rời rạc, tạo nên những  kẽ hở để các tư thương trục lợi.

Rối vì nhiều nghị định

Trong khi có sự chồng chéo về phân cấp quản lý giữa hai cơ quan chức năng là ngành nông nghiệp và công thương thì bản thân của ngành công thương (giữa thanh tra sở và đơn vị chuyên trách là QLTT) cũng là một gút mắc chưa tháo gỡ được. Bên cạnh đó, có quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón. Theo ông Đỗ Thanh Lam, đến nay Chính phủ đã ban hành 51 nghị định về quản lý chất lượng phân bón và 44 nghị định về xử phạt hành chính. Trong đó có 24 nghị định thể hiện quyền của QLTT, nhưng có nghị định nói rõ, cụ thể phạm vi xử lý của QLTT, có nghị định chỉ nói chung chung. Chính vì vậy đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng ở các địa phương khi kiểm tra, quản lý ngành hàng phân bón hiện rất phức tạp này. Ông Tiêu Hoa Năng – Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Thuận cho rằng, có quá nhiều văn bản, nghị định, thông tư về kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực phân bón đã thực sự gây rối cho lực lượng chức năng, nhiều khi lực lượng dưới huyện e ngại kiểm tra vì không thể nắm hết được văn bản, xử lý không đúng sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành. Thêm vào đó, kinh phí kiểm tra mẫu cũng là vấn đề được nhắc đến nhiều. Ngoài ra, để đưa mẫu thử đi kiểm tra không phải là câu chuyện đơn giản khi hiện nay, các nhà máy sản xuất phân bón thường có “quan hệ chặt chẽ” với các trung tâm kiểm nghiệm.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất Cục QLTT nghiên cứu, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chức năng tại chi cục các tỉnh thực thi nhiệm vụ thuận lợi hơn. Ông Đoàn Ngọc Sơn – Phó Chi cục QLTT Quảng Nam đề nghị, Cục QLTT cần mở các lớp đào tạo lấy mẫu phân bón và bổ sung nguồn kinh phí hoạt động không chỉ trong đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát phân bón giả (giữa tháng 4 đến giữa tháng 6). Ông Đỗ Thanh Lam nói: “Chúng tôi sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ lực lượng QLTT các cấp ở khu vực Nam Trung Bộ khi tiến hành kiểm tra kiểm soát phân bón giả, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Cục QLTT đang kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh những điều khoản chưa phù hợp, chồng chéo giữa các nghị định. Trong thời gian này, lực lượng QLTT vận dụng Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27.11.2013. Theo đó, việc quản lý phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thay vì quản lý theo danh mục trước đây. Việc quản lý theo nghị định này có tính chất quản lý từ gốc, việc đưa phân bón đến tay người nông dân. Nghị định với các điều kiện áp dụng cho các đơn vị kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón này thuận lợi trong việc quản lý được chặt chẽ và cụ thể hơn. Bởi việc quản chặt các kênh bán hàng, xuất nhập khẩu mặt hàng phân bón sẽ giúp chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp ổn định về chất lượng trước khi đến tay người nông dân”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH