Giúp thanh niên khởi nghiệp
Nhờ Đoàn thanh niên giúp vay vốn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu.
Nhìn từ Điện Bàn
“Tình trạng thanh niên thất nghiệp phải rời quê hương đi làm ăn xa là một thực tế đáng lo ngại trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên hiện nay” - anh Đặng Hữu Tú, Phó Bí thư Huyện đoàn Điện Bàn nói. Để từng bước hạn chế tình trạng trên, vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho ĐVTN luôn được xem là một trong những giải pháp có tính cấp bách hàng đầu. Anh Tú cho biết, thời gian qua, việc triển khai và tổ chức cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được các cơ sở đoàn ở Điện Bàn thực hiện tốt. Nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, học tập, lập nghiệp… nhưng thông tin về vốn vay chưa được cung cấp kịp thời. “Để tháo gỡ vướng mắc về vốn vay, Huyện đoàn Điện Bàn vừa phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý vốn vay trong thanh niên. Từ khóa tập huấn này, chúng tôi hy vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc trợ giúp thanh niên trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, lao động và học tập” - anh Tú nói.
Từ nguồn vốn vay của đoàn, nhiều thanh niên nông thôn đã “lập thân, lập nghiệp” thành công. Trong ảnh: Tham quan cơ sở sản xuất trầm hương của anh Nguyễn Viết Tin (Nông Sơn). Ảnh: QUANG QUỲNH |
Để chương trình phát huy hiệu quả, các cơ sở đoàn trong toàn huyện Điện Bàn đã tích cực tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua sinh hoạt đoàn cũng như một số chương trình tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, nhận thức của ĐVTN đã từng bước thay đổi. Từ chỗ không ít ĐVTN còn e ngại khi bắt đầu tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như chưa có định hướng để phát triển kinh tế, giờ đây phong trào “Thanh niên nỗ lực vươn lên thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp” đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi như anh Huỳnh Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật gỗ Âu Lạc), Nguyễn Văn Thảo (chủ cơ sở sản xuất nước uống Thiên Thủy), Lê Văn Thành (chủ trang trại nuôi ếch)…
Thăm trang trại nuôi ếch của anh Lê Văn Thành (Điện Bàn). |
Trao cần câu
Tiếng máy móc làm xưởng sản xuất trầm hương của anh Nguyễn Viết Tin (thôn Phước Bình Đông, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn) thêm rộn ràng. Làm chủ cơ sở nhưng anh Tin vẫn tham gia từng công đoạn nhỏ với anh em công nhân. Để gầy dựng được cơ sở như hiện nay, anh Tin đi lên từ việc đi làm thuê cho cơ sở của anh Nguyễn Ngọc Khánh (xã Quế Trung, Nông Sơn). Anh Tin chia sẻ: “Lúc đó tôi và ba cùng đi làm thuê. Làm miết không thấy có dư. Dự định mở một cơ sở cho riêng mình nhưng không có tiền. Năm 2011, qua kênh của Đoàn thanh niên và Hội LHPN, tôi được vay 60 triệu đồng, nhờ đó mới có vốn thực hiện ý tưởng của mình”. Nhờ làm ăn thuận lợi, 3 năm qua, cơ sở của anh Tin liên tục có lãi, giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/người.
Anh Nguyễn Lộc (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) cũng là điển hình “triệu phú chân đất” trẻ tuổi. Sau 5 năm đi làm ăn xa, anh Lộc quyết định về quê lập nghiệp. Khởi nghiệp với lưng vốn 15 triệu đồng mượn của gia đình và sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên, anh Lộc chọn cách “ăn chắc mặc bền”: mua xe máy cày làm đất thuê cho bà con nông dân trong vụ mùa. Lộc còn học thêm nghề cơ khí để lúc máy móc trục trặc có thể tự sửa chữa, cải tạo. Những lúc mùa vụ nông nhàn, Lộc đầu tư chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cùng với hoạt động kinh tế, Lộc tích cực tham gia các phong trào hoạt động đoàn tại địa phương. Hiện anh là Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Sơn. Từ kinh nghiệm tích lũy được, anh đã giúp đỡ nhiều ĐVTN trong thôn biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Cũng nhờ đồng vốn mà Đoàn thanh niên khai thác, hàng trăm cơ sở sản xuất, dự án làm ăn kinh tế của các bạn trẻ như Tin, Lộc được tiếp sức, tạo thêm hàng nghìn việc làm cho ĐVTN. Hiện nay, vốn ủy thác của Đoàn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 310 tỷ đồng với 435 tổ tiết kiệm vay vốn. Ngoài ra, còn có vốn qua kênh 120 (Quỹ quốc gia về việc làm) của Trung ương Đoàn gần 1 tỷ đồng. “Mặc dù cho vay tín chấp cũng có những rủi ro, nhưng chúng tôi luôn sát cánh cùng các bạn trẻ để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Những cán bộ đoàn làm công tác tư vấn cũng được trang bị kiến thức chuyên môn và tư duy làm kinh tế nhạy bén, phù hợp với nhu cầu của bạn trẻ” - chị Phan Thị Hoàng Trang, cán bộ tư vấn các dự án vay vốn của Tỉnh đoàn, nói.
Dạy cách câu
Bên cạnh việc “trao cần câu”, tổ chức đoàn ở nhiều địa phương đã linh hoạt hướng dẫn cách làm ăn, “dạy cách câu” cho ĐVTN. Nhờ tổ chức đoàn giúp vay vốn, dạy nghề, tư vấn hướng đi, nhiều thanh niên nông thôn thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp và làm giàu. Doanh nghiệp do người trẻ làm chủ ra đời ngày càng nhiều và có thể đứng vững bởi người đỡ đầu là Đoàn thanh niên. Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, anh Bùi Ngọc Châu (thôn Cẩm Phô, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước) khoe: “Từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng của Tỉnh đoàn, mình đã mua thêm tủ sấy chân không, kính hiển vi, máy may bao, máy ép bao và các thiết bị khác. Hiện mình đã mở thêm cơ sở sản xuất ở tỉnh Đắc Nông”. Không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động, anh Châu còn tích cực tìm hiểu kiến thức qua sự trợ giúp của cán bộ nông nghiệp, đồng thời nắm thị hiếu, nhu cầu của thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất. “Mình có được thành công cũng nhờ sự động viên và hỗ trợ của tổ chức đoàn, vì vậy mình có trách nhiệm chia sẻ đối với các bạn trẻ trong thôn, trong xã” - anh Châu bày tỏ.
Theo anh Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn, để thực sự “đồng hành với thanh niên”, đoàn phải hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và có việc làm ổn định. Cùng với việc tạo nguồn vốn vay, tức là “trao cái cần câu”, thì các cơ sở đoàn phải linh hoạt hướng dẫn cách làm ăn, “dạy cách câu” cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp cùng Sở NN&PTNT và Liên minh hợp tác xã tỉnh, trong đó chú trọng tuyên truyền về mô hình kinh tế tập thể và tổ chức các hoạt động nhằm phát huy vai trò tiên phong của thanh niên về xây dựng các mô hình kinh tế này, ưu tiên phát triển tại 50 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Các đơn vị cũng sẽ phối hợp tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề cho thanh niên phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến lập thân, lập nghiệp... “Chúng tôi tin rằng, sự gắn kết giữa Tỉnh đoàn và các đơn vị sẽ là cơ hội giúp thanh niên nông thôn phát triển kinh tế và đây là nhu cầu nguyện vọng của thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng hiện nay” - anh Thái Bình nói.
LÊ QUANG QUỲNH