Tìm "hình" đô thị Điện Bàn

TRỊNH DŨNG 17/03/2014 09:23

Tham luận, ý kiến trao đổi của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” ngày 15.3 đã phác thảo nên diện mạo đô thị tương lai của vùng bắc Quảng Nam. Nhưng để các ý tưởng này trở thành hiện thực vẫn là câu chuyện cần tiếp tục luận bàn.
Chuỗi đô thị liên kết

Hầu hết các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo hay ngoài lề vẫn thừa nhận là Điện Bàn có đủ tiềm lực để trở thành vùng đất kết nối hai thành phố Đà Nẵng và Hội An để đưa khu vực này trở thành tam giác phát triển. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, Điện Bàn không nên làm công nghiệp hay phát triển đô thị theo định nghĩa như hiện tại của địa phương đang tiến hành theo kiểu gia tăng tỷ trọng công nghiệp mà cần tìm kiếm một con đường phát triển hài hòa, chung sống lợi ích giữa công nghiệp và nông nghiệp trên vùng đất đầy tầng vỉa văn hóa quá khứ. Các con số cơ cấu kinh tế 74,76% tỷ trọng công nghiệp; 20,36% dịch vụ và 4,88% nông nghiệp hay 40 khu dân cư đô thị được quy hoạch đầu tư xây dựng và 99,14% nhà kiên cố, khá kiên cố, bán kiên cố được thống kê, minh chứng cho tốc độ đô thị hóa không phải là điều mà nhiều nhà khoa học quan tâm.

Một góc đô thị hiện tại. Ảnh: T.D
Một góc đô thị hiện tại. Ảnh: T.D

PGS-TS. Bùi Quang Bình (Đại học Đà Nẵng) nói địa phương không cần phải nóng vội. Một thị xã hay thành phố tự nó sẽ hình thành khi có đủ điều kiện. Nếu chỉ có một giấy chứng nhận để làm sang hay lên đời đô thị thôi thì sẽ không có ý nghĩa gì. Chính quyền phải định hướng lại sự phát triển công nghiệp của huyện theo hướng phát huy thế mạnh về tài nguyên, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nông nghiệp, nông thôn, thay cho định hướng phát triển công nghiệp chỉ để thay đổi cơ cấu kinh tế. Theo ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright thì ý tưởng chủ đạo là mượn lực sẵn có của hai đô thị hiện có và xây dựng một đô thị mới bổ sung cho những giới hạn của đô thị hiện có, tạo ra chuỗi đô thị liên kết phát triển bền vững. Vì vậy, nếu để liên kết, địa phương cần khảo sát kỹ giới hạn của Đà Nẵng và Hội An, những ưu thế của địa phương để sơ phác nội dung quy hoạch đô thị mới, kết nối giữa hai đô thị. Tương lai của Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An quy hoạch hình thành chuỗi đô thị dựa trên phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, biển đảo và môi trường. KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói Điện Bàn chính là nơi duy nhất để đón nhận sự phát triển của vùng và Đà Nẵng, Hội An trong tương lai. Vùng đất này không chỉ là không gian chuyển tiếp của hai thành phố mà đóng vai trò không gian điều tiết, phát triển công nghiệp nhẹ, giảm bớt áp lực và gánh nặng về lao động, việc làm, nhà ở và hình thành vùng cây chuyên canh, công nghiệp hóa nông nghiệp. GS-TS-KTS. Lê Hồng Kế – Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và quy hoạch phát triển bền vững cho rằng, một loại hình sản xuất công nghiệp phù hợp với quy mô nhỏ và vừa, công nghệ vừa phải, thân thiện với môi trường có lẽ là bước đi thích hợp trong giai đoạn năm hay mười năm tới của địa phương. Không nên dàn trải, phải có đủ các ngành mà chỉ tập trung một số ngành có thế mạnh để tạo sự khác biệt và bứt phá.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Thách thức

“Đừng nghĩ công nghiệp hay đô thị hóa là lấy đất của dân, đền bù một gói, xây dựng các nhà máy, cơ sở hạ tầng đô thị, nhà xây thì không thể được. Xin đừng quên nông dân!”
(TS. Trần Du Lịch – Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng)

Theo TS. Trần Du Lịch – Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng cho rằng những ý tưởng của các nhà khoa học tại hội thảo đã phác thảo, định vị cho việc hình thành đô thị Điện Bàn trong việc liên kết với hai thành phố liên vùng. Vấn đề là làm thế nào để các ý tưởng đi vào hiện thực. Cũng theo ông Lịch, điều quan trọng nhất của địa phương là quy hoạch cái gì? Phục hồi sông Cổ Cò là ưu tiên, hình thành đô thị ven sông tạo được sự độc đáo riêng của đô thị này. Nhưng sự độc đáo đó là cái gì thì cần thời gian nghiên cứu. Nông nghiệp sinh thái thì ứng dụng công nghệ cao. Gắn phát triển nông nghiệp với lợi ích cộng đồng. Địa phương phải tìm cho ra cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp thì đừng nói đến chuyện phát triển. Cái khó nhất vẫn là chuyển người nông dân thành thị dân. “Đừng nghĩ công nghiệp hay đô thị hóa là lấy đất của dân, đền bù một gói, xây dựng các nhà máy, cơ sở hạ tầng đô thị, nhà xây thì không thể được. Xin đừng quên nông dân!” - ông Lịch nói thêm.

Chỉ riêng vấn đề liên kết, ông Lịch cho rằng sẽ rất khó nên tạo ra sự khác biệt. Kể cả ý tưởng nông nghiệp đô thị cần mở rộng, nhưng nếu không có doanh nghiệp đầu tư thì khó thành công. Chủ tịch UBND TP.Hội An Lê Văn Giảng nói sự liên kết này có cơ sở khoa học, nhưng trở thành như thế nào mới quan trọng. Liên kết đã nói rất nhiều nhưng ý tưởng này có đi vào hiện thực hay không mới là vấn đề quan trọng. Tiến trình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, phát triển bền vững này nhanh hay chậm lại tùy thuộc vào thiện chí của 3 địa phương. Vì vậy, rất cần thêm những cuộc gặp gỡ để trao đổi, bàn định để đi đến kết quả hợp tác.

Hội thảo “Đinh hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An đã thu hút  hơn 300 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, kiến trúc quy hoạch... Thông qua các tham luận chính liên quan đến 4 lĩnh vực kinh tế – xã hội trọng tâm như: nhận diện đô thị Điện Bàn để định hướng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội và không gian kiến trúc, kết nối hài hòa với hai đô thị liên vùng; điều chỉnh phát triển các khu – cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp sinh thái, giảm thiểu tác động môi trường; khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên của địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn và phát triển nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu đô thị, công nghiệp, du lịch...

Ở một góc nhìn khác, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu – Học viện Hành chính quốc gia nói Điện Bàn không thể so với tính mới của Đà Nẵng hay cổ kính của Hội An, nên sự khác biệt chỉ được tạo ra thông qua sản phẩm cụ thể, nhất là sản phẩm ít gắn với quy mô kinh tế. Thẩm quyền để tạo sự khác biệt cũng cần lưu tâm vì với chính sách và thể chế hiện nay, chính quyền chưa được trao đầy đủ thẩm quyền hành chính trong quản lý và quy hoạch chiến lược, xây dựng kế hoạch. Vì vậy,  nên cần có sự liên kết, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên và liên minh với các đô thị lân cận một cách chủ động để bảo đảm lợi thế từ sự khác biệt của địa phương được phát huy. Ông Phan Chánh Dưỡng - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright nói xây dựng một đô thị đòi hỏi nhiều thời gian, ít nhất từ 20 năm đến hàng trăm năm. Do đó, việc quy hoạch được bảo đảm được thực hiện xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo là yếu tố hết sức quyết định giữ cho đô thị đó có kết cấu xây dựng hài hòa nhất quán. “Phải tìm ra đối tác chiến lược vừa có kinh nghiệm xây dựng đô thị vừa có khả năng huy động vốn trong xã hội. Thống nhất mục tiêu nội dung quy hoạch, xây dựng bộ máy quản lý xây dựng và kinh doanh đủ tầm mới bảo đảm đề án thành công. Nhưng đó là một thách thức không nhỏ với địa phương” - ông Dưỡng nói.

Hội thảo đã tập hợp được ý tưởng của các nhà khoa học “định vị” cho diện mạo tương lai của Điện Bàn, nhưng đó chỉ là sự khởi động cho tiến trình xây dựng và phát triển đô thị mơ ước, có bản sắc riêng. Định hình đô thị tương lai không thể giải quyết được trong một hội thảo mà chỉ là những gợi mở, tìm sự hiến kế từ các nhà khoa học. Hành trình của đô thị Điện Bàn vẫn là chặng đường dài đầy khó khăn thách thức!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG