Khai thác cát trái phép ở Duy Xuyên: Khó giải quyết rốt ráo
Tình hình khai thác cát trái phép trên lòng sông Thu Bồn đoạn từ khu vực Bình An (thị trấn Nam Phước), thôn Câu Lâu Tây, Mỹ Phước (xã Duy Phước, Duy Xuyên) vẫn “nóng” khiến người dân và chính quyền bức xúc. Hậu quả do “sa tặc” gây ra đe dọa sự an nguy của bờ kè sông và nhiều khu vực dân cư.
Đục khoét lòng sông
Có mặt tại khu vực sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Câu Lâu mới qua thôn Câu Lâu Tây chạy dọc thôn Mỹ Phước trưa 21.12 chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc ghe thuyền neo đậu, hút cát trên lòng sông. Cát hút lên được nhiều người dùng xẻng xúc vào những chiếc xe tải đang đậu gần đó. Ông Huỳnh Tấn Mỹ (người dân đội 9, thôn Câu Lâu Tây) bức xúc: “Ngày nào cũng vậy, bất kể đêm hay ngày, “sa tặc” ngang nhiên hoành hành, thời điểm chúng hoạt động mạnh nhất là tầm 1 giờ sáng trở đi. Khi lực lượng chức năng truy quét, thấy động, chúng ngưng được ít bữa rồi đâu lại vào đấy. Bà con chúng tôi lo sợ “sa tặc” hút cát gây sạt lở tuyến kè dài 2.000m đi qua thôn vì bờ kè đang xuống cấp nghiêm trọng. Các tuyến đường thôn ngày nào cũng tấp nập xe chở cát, một phần bức xúc, một phần sợ hư đường, nhiều người ra ngăn cản, không cho xe chở cát có trọng tải lớn vào, nhưng họ chống đối rất quyết liệt”. Còn theo ông Nguyễn Lai - Tổ trưởng an ninh tổ 6 (thôn Câu Lâu Tây), bờ sông khu vực này mỗi năm sạt lở đến hơn 10m, cả khu vực bãi bồi cũng bị lở, dân mất nhiều đất trồng hoa màu, trồng dưa. Đã 10 năm rồi tình hình này vẫn chưa được chấn chỉnh.
Hút cát trên khu vực khối phố Bình An (thị trấn Nam Phước). |
Ông Nguyễn Đình Nam - Trưởng thôn Câu Lâu Tây cho biết, việc khai thác cát trái phép là vấn đề nhức nhối tại địa phương, gần đây càng trở nên phức tạp. Nhiều hộ dân thuộc cánh bắc của thôn Câu Lâu Tây đang chịu ảnh hưởng sạt lở bờ sông, quá bức xúc họ đã từng tụ tập dùng thuyền ra ngăn cản “sa tặc”, tình hình an ninh trật tự có lúc diễn biến phức tạp. Còn cánh nam của thôn đang đối diện với sạt lở bờ kè. Thời gian qua, chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện đã tiến hành nhiều cuộc truy quét, bắt giữ tang vật ghe thuyền, xử phạt rất nặng nhưng đến nay chưa giải quyết rốt ráo. Theo nhiều người dân sinh sống trên địa bàn thôn Mỹ Phước, lúc trước mỗi ngày có tới 13 - 15 chiếc ghe có trọng tải từ 50 - 70m3 khai thác cát sạn dọc sông Thu Bồn đi qua khu vực này. Từ khi bà con phản đối kịch liệt và chính quyền vào cuộc truy đuổi gắt gao thì “sa tặc” có phần giảm, nhưng chỉ cấm được ban ngày, ban đêm các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Theo ông Nguyễn Tố - Trưởng thôn Mỹ Phước, bờ kè Mỹ Phước giữ đất, giữ làng nghề truyền thống chiếu An Phước với khoảng 350 hộ sinh sống đã bị sạt lở, ước tính khoảng 100m. Nếu tình hình này không được giải quyết triệt để, cả khu vực bờ kè tốn không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước, của dân sẽ đổ sông.
Khó giải quyết dứt điểm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thận - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết hiện tình hình khai thác cát trái phép trở nên phức tạp, chính quyền xã đã thành lập tổ tuần tra, xử lý, đã bắt nhiều trường hợp, lập biên bản xử lý, thế nhưng đâu lại vào đấy. “Sa tặc” thì đông trong khi lực lượng tuần tra quá mỏng, khó kiểm soát hết được. Từ đầu năm 2013 đến nay lực lượng tuần tra đã bắt 9 chiếc ghe khai thác trái phép trên sông, mỗi ghe công suất khai thác từ 30m3 trở lên. Tuy nhiên, ở cấp xã chỉ có thể xử phạt mức tối đa 2 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Cách đây một tháng, địa phương đã bắt và lập biên bản 5 trường hợp, kiến nghị Phòng TN-MT huyện Duy Xuyên xử phạt mỗi trường hợp lên tới 15 triệu đồng. Ông Thận nói: “Rất mong chính quyền cấp trên có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Nạn khai thác trái phép nếu tiếp diễn, nguy cơ đe dọa đến bờ kè Mỹ Phước (dài khoảng 2,6km) là rất cao, khu vực bờ kè Câu Lâu Tây cũng vậy. Nếu 2 tuyến kè này hư hỏng thì đất sản xuất của hàng trăm hộ dân thuộc các đội 13, đội 15 (thôn Mỹ Phước) sẽ trôi sông trong mùa bão lụt”. Cũng theo ông Thận, để chấm dứt tình trạng khai thác trái phép cũng như trước nhu cầu về nguồn vật liệu phục vụ xây dựng nông thôn mới, địa phương mong tỉnh sớm có văn bản quyết định cho mở 3 bãi cát nổi giữa sông đã được quy hoạch, nhằm thuận tiện cho khâu quản lý, kiểm soát.
Trưởng phòng TN-MT huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Thế Hởi xác nhận: năm 2013, Phòng TN-MT huyện đã phối hợp với nhiều ngành tổ chức 3 đợt truy quét “sa tặc” trên lòng sông Thu Bồn, đoạn từ khối phố Bình An (Nam Phước) đến tận xã Duy Vinh, điểm tiếp giáp Hội An. Đây là tuyến sông “nóng” bởi nạn hút cát trái phép. Qua 3 đợt, lực lượng tuần tra đã xử lý 17 vụ với tổng số tiền xử phạt lên tới 200 triệu đồng. Điều đó chứng tỏ huyện rất quyết liệt trong xử lý, nhưng do lực lượng tuần tra còn mỏng, phương tiện tác nghiệp chưa được đầu tư, trong khi thủ đoạn của “sa tặc” khá tinh vi. Ông Hởi cho biết thêm, dù địa phương quyết liệt trong xử lý nhưng các đợt truy quét chỉ ở mức đối phó, chưa thể rốt ráo được. “Để giải quyết dứt điểm, cần phải có lực lượng thường trực cùng với đội quản lý đường sông có đầy đủ phương tiện, thường xuyên truy quét đột xuất, bất ngờ. Cùng với đó, giải pháp hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo chuyên hành nghề khai thác trái phép trên sông là cấp thiết. Sắp tới, huyện sẽ đề nghị tỉnh cho phép mở một số mỏ cát nổi trên sông để phục vụ xây dựng cơ bản. Theo đó, 6 đơn vị khai thác cát hoạt động tại Duy Xuyên sẽ được tập trung vào một khu vực để tiện quản lý, kiểm soát” - ông Hởi nói.
HOÀNG LIÊN