Làng nghề về đâu? - Bài cuối: Dựa vào du lịch

LÊ QUÂN - THỤC ANH 30/10/2013 10:33

Không khó để nhận thấy ở những nơi du lịch phát triển tốt, làng nghề cũng ăn nên làm ra. Sự phát triển du lịch đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho các làng nghề.

  • Làng nghề về đâu? - Bài 2: Nhận diện khó khăn
  • Làng nghề về đâu? - Bài 1: Qua rồi thời hưng thịnh


Đầu ra từ du lịch

Ông Phạm Xuân Nguyên - chủ một cơ sở sản xuất mộc Kim Bồng chia sẻ, khi Hội An đưa làng nghề vào du lịch thì làng mộc Kim Bồng cũng bắt đầu “lên hương”. Mô hình du lịch cộng đồng được nghiên cứu và triển khai tại làng mộc Kim Bồng vào năm 2005. Từ đó đến nay làng nghề này đã đón cả triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hay như làng rau Trà Quế, từ năm 2003 chính quyền TP.Hội An cũng bắt đầu cho khai thác tour du lịch tham quan và làm nông dân tại đây. UBND TP.Hội An giao Công ty CP Du lịch Hội An khai thác tuyến tham quan này, sau đó chuyển sang cho UBND xã Cẩm Hà. Hơn 10 năm nay, lượng du khách đến tham quan làng rau Trà Quế ngày một tăng, đặc biệt là khách nước ngoài, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân làng nghề.

Dệt thổ cẩm Zara “sống” được nhờ du lịch.                                                                                              Ảnh: L.QUÂN
Dệt thổ cẩm Zara “sống” được nhờ du lịch. Ảnh: L.QUÂN

Nghề làm đèn lồng cũng là nghề truyền thống của phố cổ Hội An. Đến nay tại Hội An có hàng chục cơ sở làm đèn lồng. Cơ sở đèn lồng Hà Linh xuất ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 20 nghìn chiếc mỗi năm. Nhiều cơ sở đèn lồng ở Hội An không chỉ bán hàng lưu niệm mà còn tạo cơ hội cho du khách tham quan và tự tay làm những chiếc đèn lồng. TP.Hội An cũng từng tổ chức lễ hội đèn lồng để quảng bá sản phẩm lưu niệm này. Đặc thù kinh tế Hội An là phát triển du lịch, vậy nên những làng nghề tại đây đều có thể “sống được” dựa vào du lịch. Các dự án cộng đồng về văn hóa và du lịch có sự tham gia của người dân là hướng sinh kế bền vững mà rất nhiều tổ chức nước ngoài hướng đến, trong đó Hội An là nơi đặt nền móng cho vấn đề này. Mới đây, TP.Hội An bàn giao cho UBND xã Cẩm Thanh quản lý, khai thác dự án Khu trung tâm làng nghề tre dừa với tổng kinh phí 4 tỷ đồng, đủ bố trí cho 15 hộ kinh doanh trưng bày, giới thiệu sản phẩm tranh tre, dừa nước, từng bước tạo hướng đi bền vững cho phát triển ngành du lịch, dịch vụ địa phương.  

Một ví dụ khác về sự phục hồi của làng nghề dựa vào du lịch cộng đồng là những làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào miền núi. Nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Cơ Tu ở thôn Zara (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) là một trong số ít làng nghề ở miền núi duy trì và phát triển thành công nhờ gắn với du lịch. Từ năm 2001 - 2008, nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR), nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được khôi phục và phát triển tại 17 thôn của 2 xã Cà Dy và Tà Bhing, trọng tâm là nghề dệt của thôn Zara. Các sản phẩm của bà con do họa sĩ thiết kế, đặt hàng từ kiểu dáng, màu sắc đến chủng loại. Hàng hóa được bán tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Phú Mỹ Hưng, Bà Nà, Apsara Đà Nẵng… Thời gian gần đây, làng dệt thổ cẩm Zara được đưa vào một số tour du lịch mới, giới thiệu với hàng chục công ty du lịch lữ hành. Ông Nguyễn Ngọc Toàn - chuyên viên Phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch giúp cải thiện đáng kể đời sống của bà con. Tuy nhiên, ở Quảng Nam số làng nghề sống được nhờ du lịch vẫn còn tính trên đầu ngón tay.

Liên kết

Tuy nguồn thu từ du lịch đem đến cho các làng nghề còn thấp, nhưng sự phát triển du lịch đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho các làng nghề. Thực tế trong những năm qua, bước đầu Quảng Nam đã thử nghiệm thành công sự gắn kết giữa phát triển làng nghề và du lịch cùng với sự tham gia của cộng đồng hướng đến mục đích gắn lợi ích và trách nhiệm của người dân vào quá trình phát triển du lịch bền vững. Và Hội An là một minh chứng rõ ràng và sống động. Khi cộng đồng dân cư vừa là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch, vừa là chủ thể của hoạt động du lịch (chủ thể văn hóa hay người trình diễn sản phẩm du lịch) cho du khách gồm: nghề may mặc, nghề lồng đèn, nghề trồng rau, nghề mộc, nghề gốm... kết hợp với các chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố không động cơ”. Hoạt động này yêu cầu cao về  nhận thức và văn hóa ứng xử của cộng đồng cư dân địa phương. Điều này đã, đang và sẽ đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch, thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư du lịch, bảo tồn và tái hiện các lễ hội gắn với phục hồi làng nghề truyền thống, vận động sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư địa phương, doanh nghiệp đối với hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa.

Cũng từ hoạt động du lịch, một số sản phẩm du lịch làng nghề, làng quê được xây dựng và đưa vào phục vụ hiệu quả như: “Một ngày làm cư dân phố cổ”, “ Một ngày làm cư dân làng nghề đèn lồng”, “Đêm rằm phố cổ Hội An”, tour làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng... hấp dẫn du khách đến tham quan, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Bà Nguyễn Thị Huyền – điều phối viên quốc gia Văn phòng dự án ILO – SIT tại Quảng Nam cho rằng, bên cạnh đổi mới mẫu mã, thiết kế, đổi mới công nghệ cần xây dựng và sử dụng một thương hiệu nhằm chứng nhận về tính chân thực của sản phẩm để thu hút sự quan tâm của du khách. Để làm được thương hiệu của sản phẩm, không cần quá nhiều tiền mà chỉ cần sự liên kết của các cơ quan chức năng. Bởi, thực tế đã chứng minh một số mô hình hay và hiệu quả cho đầu ra của làng nghề bằng phương pháp nhận diện thương hiệu tại Campuchia, Thái Lan… Hiện nay, ILO và UNESCO đang cùng hỗ trợ để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm làng nghề của Quảng Nam.

 LÊ QUÂN - THỤC ANH

LÊ QUÂN - THỤC ANH