Giữ nguồn gen quý sâm Ngọc Linh
Trong chuyến khảo sát, kiểm tra Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đặt niềm tin về thương hiệu “quốc bảo” ở Quảng Nam. Đồng thời “đặt hàng” và xem đó là nhiệm vụ lãnh đạo tỉnh giao phó cán bộ, công nhân Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam).
Xứng danh “quốc bảo”
Từ “cây thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh bây giờ đã trở thành “quốc bảo”, một trong số hiếm hoi sản vật địa phương miền núi được công nhận là cây chủ lực mang giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu bền vững.
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, những năm gần đây, từ chủ trương vận động, khuyến khích người dân trồng sâm, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã dần mở rộng diện tích vườn.
“Trong các cuộc họp làng, chúng tôi vẫn thường chia sẻ câu chuyện về sâm Ngọc Linh, về những giá trị của “cây thuốc giấu” với cuộc sống cộng đồng hiện nay. Từ đó, khuyến khích bà con mở rộng diện tích vườn trồng và chung tay, góp sức giữ thương hiệu bằng việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là ngăn chặn nạn sâm giả từ bên ngoài tràn vào cũng như tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng đưa giống sâm kém chất lượng” - ông Dang chia sẻ.
Là người tâm huyết và gắn bó lâu với sâm Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự kỳ vọng vào một “thời đại mới” của sâm Ngọc Linh. Bởi không chỉ ở Trà Linh, sâm đang được quy hoạch, mở rộng diện tích trồng ở nhiều thôn, xã ở Nam Trà My và bước đầu thử nghiệm di thực đến một số huyện có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như Tây Giang, Phước Sơn…
“Bà con đang làm giàu và sẽ giàu hơn khi biết khai thác giá trị của sâm một cách bền vững. Từ giá trị mang lại của sâm Ngọc Linh, người dân ở Nam Trà My đã thay đổi nhận thức rõ rệt về việc giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm, làm giàu chính đáng. Việc trồng sâm góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và giảm nghèo nhanh chóng. Đây cũng là lợi thế trong thu hút du lịch, trên hành trình đưa Nam Trà My trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo, xứng tầm với thương hiệu “quốc bảo của Việt Nam” - ông Bửu nói.
Giữ nguồn gen quý
Khẳng định sâm Ngọc Linh là “trợ lực” cho công tác giảm nghèo ở Nam Trà My, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, nhất thiết phải giữ nguồn gen quý một cách bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng giống chất lượng cho thị trường. “Thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho chúng ta một sản vật vô cùng quý giá. Vì thế, cùng với việc khai thác, cần phải tập trung cho công tác bảo tồn nguồn gen nguyên bản” - ông Cường chia sẻ.
Những năm qua, Quảng Nam đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh. Để nâng cao chất lượng, nâng tầm ảnh hưởng của sâm Ngọc Linh, ông Cường nói, thời gian đến tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn, trong đó ưu tiên duy trì nguồn gen quý, chế biến các sản phẩm mới độc đáo từ sâm Ngọc Linh.
“Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Sắp đến, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trồng sâm và chế biến các sản phẩm về sâm, giúp nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động; tăng thu nhập người dân và tạo nguồn thu cho địa phương. Hơn ai hết, người dân Nam Trà My cần phải chung sức bảo tồn giống sâm gốc, tuyệt đối không để lai tạp và đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm một cách bài bản, vừa để giữ nguồn gen quý, vừa giải quyết bài toán giảm nghèo” - ông Cường nhấn mạnh.
Ghi chép quá trình sinh trưởng, sự thay đổi của cây sâm
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, để sâm Ngọc Linh thực sự là quốc bảo của Việt Nam và ngày càng nâng cao giá trị kinh tế, bên cạnh “nói không” với sâm giả, sâm kém chất lượng, chính quyền và người dân Nam Trà My cần phải kịp thời nắm bắt, có giải pháp ngăn ngừa mầm bệnh trên cây sâm. Đồng thời ghi chép cụ thể quá trình sinh trưởng, sự thay đổi do môi trường của cây sâm. Việc ghi chép này sẽ là bài học kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ sau này, góp phần bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, vườn sâm tại Trạm Dược liệu Trà Linh có tổng diện tích quy hoạch 50ha, trong đó diện tích đã phát triển trồng sâm 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh. Vào mùa thu hạt, từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, Trạm Dược liệu Trà Linh thu được khoảng 100.000 - 120.000 hạt để ươm giống, đảm bảo việc cung ứng nguồn giống chất lượng ra thị trường. Những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu thành công các biện pháp ứng dụng khoa học vào quá trình gieo ươm hạt giống, bước đầu đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sâm con mọc khỏe, số cây tăng dần theo từng năm...