Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn: Sớm tháo gỡ rào cản
Những năm qua tỉnh Quảng Nam nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn nhằm tạo đòn bẩy cho việc sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít rào cản trong công tác này...
Chuyển biến rõ nét
Nhận thấy Quảng Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa, cuối năm 2007 Tập đoàn ThaiBinh Seed thành lập Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên tại TP.Tam Kỳ.
Ông Triệu Tấn Phú – Giám đốc Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên cho biết, từ vụ đông xuân 2007 – 2008 đơn vị “bắt tay” với các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh tổ chức cho nông dân sản xuất lúa giống theo phương thức bao tiêu sản phẩm.
“Riêng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm chúng tôi liên kết với khoảng 14 - 17 HTXNN tại các địa phương Phú Ninh, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc sản xuất 1.450ha lúa giống, sản lượng thu mua và bao tiêu cho nông dân từ 6.000 - 6.500 tấn/năm. Trong đó, từ năm 2018 đến nay, sản lượng thu mua lúa tươi hàng năm bình quân là 1.200 tấn (vụ đông xuân 700 tấn, vụ hè thu 500 tấn). Tổng doanh thu mang lại cho nông dân từ 45 - 60 tỷ đồng/năm. Trong đó, lợi nhuận tăng thêm cho nhà nông khoảng 10 - 12 tỷ đồng/năm và lợi nhuận cho các HTXNN 2 - 3 tỷ đồng/năm” – ông Phú nói.
Nhờ tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh liên doanh, liên kết nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp có uy tín tìm đến Quảng Nam hợp tác sản xuất lúa giống, ớt, đậu xanh, bắp theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Chỉ tính riêng trong 2 vụ đông xuân - hè thu của năm 2020 có ít nhất 20 doanh nghiệp liên kết với các HTXNN tổ chức cho nông dân sản xuất hơn 3.500ha giống lúa lai, lúa thuần và khoảng 600ha cây trồng cạn chủ lực các loại.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương nhìn nhận, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp không chỉ giúp nhà nông ổn định đầu ra nông sản mà giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích cũng tăng thêm từ 600 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/sào/vụ, tùy theo đối tượng cây trồng.
Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ liên kết sản xuất, thời gian qua ngành liên quan và chính quyền các địa phương cũng nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp – nông thôn. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 9.2020 Quảng Nam đã tạo điều kiện cho khoảng 430 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới vùng Duyên hải Nam Trung Bộ & Tây Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhận định, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị là ưu tiên của Quảng Nam trong chỉ đạo phát triển “tam nông”. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn và liên kết sản xuất theo chuỗi. Từng bước kết nối các chuỗi tiêu thụ trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất theo từng vùng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo 3 cấp độ sản phẩm chủ lực (chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương).
Đến nay, đã có 5 nhà đầu tư triển khai vùng nông nghiệp và nuôi tôm công nghệ cao như Công ty CP QNTEK thực hiện thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại vùng cát xã Bình Hải (Thăng Bình) với doanh thu đạt từ 60 - 70 tỷ đồng/vụ; Tập đoàn T&T dự kiến đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao đông Quảng Nam với tổng nguồn vốn 3.301 tỷ đồng; Công ty CP Ô tô Trường Hải đầu tư dự án Khu công nghiệp phục vụ nông - lâm nghiệp Nam Tam Anh với tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng...
Nhiều rào cản
Ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhìn nhận, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông - lâm - thủy sản, đa dạng hóa cây trồng và con vật nuôi. Dư địa để phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh còn khá lớn, nhất là vùng trung du - miền núi. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở khu vực hay xảy ra thiên tai, nhất là bão lũ. Vì vậy, khi đưa ra phương án đầu tư buộc doanh nghiệp tính đến rủi ro này, phải có các giải pháp khắc phục, tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng, con vật nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, thời gian qua mặc dù các ban ngành, địa phương rất tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thiếu cơ quan làm đầu mối để giải quyết những khó khăn nên tiến độ xây dựng dự án đến đầu tư nhìn chung khá chậm.
“Tiềm năng đất đai của Quảng Nam khá nhiều nhưng phần lớn đất đã cấp quyền sử dụng cho người dân, trong khi tỉnh chưa có những khu quy hoạch cụ thể về chế biến nông sản, vùng nguyên liệu, khu chăn nuôi tập trung… nên việc tìm địa điểm, thỏa thuận đất đai rất khó khăn, tốn nhiều thời gian” – ông Nghi nói thêm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, nhất là đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khó khăn nhất là về thủ tục đất đai, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Mức hạn điền và thời gian thuê đất vẫn còn là “nút thắt” trong việc thuê đất và đầu tư dài hạn.
Ông Lê Muộn – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những năm gần đây, khi công nghiệp – thương mại – dịch vụ phát triển mạnh, tình trạng bỏ hoang đất canh tác hoặc suy giảm thâm canh xảy ra nhiều nơi, nhất là các địa phương thuộc vùng đông Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn... Tuy nhiên, khi chính quyền và ngành liên quan triển khai tập trung, tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp vào thuê đất đầu tư sản xuất hàng hóa thì gặp nhiều khó khăn vì phần lớn nông dân không muốn giao lại ruộng.
Một số ý kiến nhìn nhận, mặc dù những năm qua tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực khá lớn nhưng thực tế cho thấy kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, điện... ở nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, nhất là tại khu vực trung du – miền núi.
Đồng bộ các giải pháp
Muốn thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, thời gian tới Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết những khó khăn, tồn tại. Theo ông Võ Văn Nghi, về tổ chức, tỉnh nên thành lập ban chỉ đạo hoặc ban điều hành hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai. Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần sớm sửa đổi, bổ sung các cơ chế hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng hưởng lợi, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn.
“Quyết định số 331/QĐ-UBND (ngày 30.1.2019) của UBND tỉnh quy định đầu tư phát triển chăn nuôi chỉ hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án là không phù hợp với doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn từ vài chục đến hàng trăm nghìn con/năm” – ông Nghi nói.
Ông Lê Muộn cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, nhất là đối với cấp xã, huyện, sở ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án, không để họ chờ đợi quá lâu dẫn đến nản lòng. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chú trọng hỗ trợ khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu nông sản của Quảng Nam.
Về tích tụ đất đai, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần có các chủ trương, chỉ đạo mạnh mẽ hơn và có cơ chế đủ mạnh để các thành tố tham gia tích tụ ruộng đất đều có lợi, kích thích họ tự nguyện tham gia. Cụ thể, nông dân có ruộng đất khi tham gia tích tụ không ảnh hưởng đến các quyền sử dụng lâu dài như lâu nay (trong trường hợp giải tỏa thì được bồi thường). Không chỉ vậy, nông dân tham gia tích tụ được chia sẻ lợi nhuận như tiền thuê đất hay được chia cổ phần. Về phía doanh nghiệp, HTX, cá nhân đứng ra tích tụ được toàn quyền sử dụng (áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ theo mục tiêu sản xuất - kinh doanh) và cũng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để cải tạo đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng, lập quỹ rủi ro...