Đại Lộc ổn định sản xuất vụ hè thu

TRIÊU NHAN 05/06/2020 12:14

Vụ hè thu 2020, toàn huyện Đại Lộc xuống giống 4.300ha lúa và hàng nghìn héc ta rau màu các loại. Tranh thủ nguồn nước tưới ổn định, các địa phương gấp rút xuống giống vụ mùa.

Nông dân Đại Quang, Đại Lộc đã hoàn thành công tác gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: H.LIÊN
Nông dân Đại Quang, Đại Lộc đã hoàn thành công tác gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: H.LIÊN

Cơ bản gieo sạ xong

Vụ hè thu 2020, Đại Lộc xuống giống 4.300ha với các loại giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, nhằm đảm bảo thu hoạch xong trước 5.9, chậm nhất là 10.9 tới. Các địa phương bố trí gieo sạ từ 20.5 đến 5.6, đảm bảo lúa trổ từ 25.7 đến 10.8. Những giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày được bố trí sản xuất gồm: HT1, PC6, lúa lai TH3-3, TH3-5, HN6, gieo sạ từ 25.5 tới 5.6 được cơ cấu 60% diện tích.

Nhóm giống triển vọng như Q.Nam 9, LTH 31, Lộc Trời 1… được bố trí cơ cấu 10% diện tích. Còn lại, hơn 30% là các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày với cơ cấu giống gồm BC15, TBR225, đảm bảo gieo sạ từ 20.5 tới 25.5. Những giống lúa bổ sung cơ cấu 30% diện tích có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày, gồm ĐV108, Đài thơm 8, KD 18… bố trí gieo sạ từ 25.5 tới 5.6.

Vụ này, xã Đại Quang tổ chức xuống giống trên tổng diện tích hơn 410ha ở 5 cánh đồng trong điều kiện tương đối thuận lợi do có mưa, lượng nước bổ sung đủ và hiện gần 100% diện tích xuống giống xong. Tại thị trấn Ái Nghĩa, nhiều cánh đồng hoàn thành khâu xuống giống với diện tích gieo sạ hơn 350ha, giống chủ lực vẫn là Thiên ưu 8, BC 15, TBR-225, TH3-3...

Tại xã Đại Hồng, theo ông Từ Văn Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã, vụ này nông dân địa phương gieo sạ 40ha trên 3 cánh đồng Lập Thuận, Ngọc Kinh Đông và Ngọc Kinh Tây. Cánh đồng Lập Thuận và Ngọc Kinh Tây cơ bản xuống giống thuận lợi, riêng đồng Ngọc Kinh Đông có phần khó khăn vì hồ Cây Xoay là nguồn cấp nước chính bị khô cạn... Nhìn chung, toàn huyện Đại Lộc đã cơ bản hoàn thành gieo sạ lúa vụ hè thu tương đối thuận lợi do công tác thủy lợi đảm bảo.

Linh hoạt phương án chống hạn

Tình trạng khô hạn những năm qua diễn biến nghiêm trọng và tác động lớn đến sản xuất vụ mùa ở Đại Lộc vào thời điểm giữa và cuối vụ hè thu. Theo Phòng NN&PTNT huyện, ngay từ đầu vụ, phòng đã phối hợp với các địa phương lên phương án, kịch bản chống hạn, trình UBND huyện phê duyệt, chỉ đạo. Huyện tổ chức đánh giá những khu vực có khả năng thiếu nước, khô hạn để có biện pháp ứng phó. Đối với những vùng quá khó khăn, các địa phương đã và đang chuyển đổi cây trồng sang cây đậu xanh, bắp ngay từ đầu vụ...

Theo ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Đại Lộc có khoảng 200ha có nguy cơ đối diện với khô hạn trong vụ hè thu, tập trung ở một số xã có nguy cơ cao như Đại Quang, Đại Đồng, Đại Nghĩa, Đại Hưng, Đại Lãnh. Đây là những nơi do các công trình hồ đập tưới, nguy cơ các hồ đập dâng, khe suối khô cạn trong mùa hạn, gây ảnh hưởng tới nguồn tưới. “Trước diễn biến phức tạp và khó lường của thời tiết, của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, công tác chống hạn luôn được tăng cường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, HTX, địa phương” - ông Khánh nói.

Tại cánh đồng Tam Hòa, Mỹ An, Hòa Thạch, một phần Đông Lâm và Phước Lộc thường bị hạn rất nặng. Theo ông Hồ Quách Triều Đổng - Phó Chủ tịch UBND xã, cánh đồng Phước Lộc sử dụng nước từ suối Mơ, nên khi suối khô cạn thì hàng chục héc ta lúa bị ảnh hưởng theo. Đã từng xảy ra trường hợp đồng lúa bị cháy sém lá nghiêm trọng trong vụ hè thu năm 2019 do khô hạn kéo dài. Toàn xã ước tính có khoảng 40ha lúa đối diện với nguy cơ khô hạn cao trong vụ hè thu do các công trình thủy lợi không tới được, một phần do hồ đập, khe suối cạn nguồn. Địa phương đã tính đến việc chuyển đổi cây trồng ở những chân ruộng này nhưng gặp khó vì trồng cây gì yếu tố quan trọng phải có nước.

“Để chống hạn, địa phương sử dụng máy bơm hút nước để cứu cây lúa. Thậm chí người dân đã tính tới chuyện đóng giếng ngoài đồng nhưng giải pháp này tốn kém, diện tích tưới lại quá lớn. Quan trọng là cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số công trình hồ đập đảm bảo giữ nước. Địa phương cũng kiến nghị huyện lập phương án lấy nước từ động Hà Sống cấp cho đồng ruộng, sinh hoạt; song giải pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên cũng khó” - ông Đổng nói.

TRIÊU NHAN