Dịch vẫn dây dưa
Những ngày qua, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại một số địa phương. Trong khi đó, ở nhiều ổ dịch cũ, thêm cả nghìn con heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào trưa hôm qua 20.8, ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My cho biết, lực lượng chức năng của huyện và chính quyền xã Trà Dương vừa tiến hành tiêu hủy khẩn cấp hơn 60 con heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi của 3 hộ dân. “Ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên ở huyện Bắc Trà My vào ngày 4.6.2019 tại địa bàn xã Trà Tân. Tính đến thời điểm này, dịch đã làm 325 con heo của 34 hộ chăn nuôi ở các xã Trà Tân, Trà Giác, Trà Sơn, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giang, Trà Dương và thị trấn Trà My bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 8,4 tấn heo hơi” - ông Thiệu nói.
Còn ông Lê Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trà My cho hay, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa phương, các ngành và địa phương của huyện đã nhanh chóng siết chặt công tác kiểm soát, kiểm dịch. Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn dự phòng của huyện, UBND huyện Bắc Trà My đã cấp phát cho chính quyền các xã, thị trấn hơn 1.000 lít hóa chất Benkocid để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm khống chế sự lây lan của vi rút gây bệnh. Thế nhưng 2 tháng rưỡi qua, mầm bệnh vẫn gây hại dây dưa tại Bắc Trà My và hiện chưa có dấu hiệu chững lại. Tại các xã Trà Tân, Trà Giang, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Kót và thị trấn Trà My của huyện Bắc Trà My đã qua 30 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh thì trong những ngày gần đây dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát khiến địa phương gặp khó khăn trong việc ngăn chặn, dập tắt dịch.
Trong khi đó, tại thôn Long Khánh của xã Tam Đại (huyện Phú Ninh) cũng vừa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi khiến một số con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp. Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, trong vòng 3 ngày trở lại đây tại 13 huyện, thị xã, thành phố gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn, Hội An lại phát sinh thêm 2.418 con heo của 632 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh. Như vậy, đến nay trên địa bàn 16/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ Đông Giang và Tây Giang) đã có 87.708 con heo của 20.760 hộ dân ở 144 xã, phường, thị trấn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 4.820 tấn heo hơi. Đáng nói là ngoài 6 địa phương của huyện Bắc Trà My như đã nêu trên, trong thời gian qua tại 18 xã, phường khác gồm Bình Dương (Thăng Bình), Phú Thọ (Quế Sơn), Điện Ngọc, Điện Thắng Trung, Điện Phương (Điện Bàn), Tam Thanh, Hòa Hương, Tân Thạnh (Tam Kỳ), Duy Trung, Duy Thành, Duy Sơn (Duy Xuyên), Tam Xuân 2, Tam Mỹ Đông (Núi Thành), Tiên Phong, Tiên Mỹ (Tiên Phước), Tam Vinh, Tam Phước (Phú Ninh), Trà Vinh (Nam Trà My) cũng xảy ra tình trạng tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi lần 2 khi đã qua 30 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh...