Xây dựng nông thôn mới: Vẫn dây dưa nợ đọng
Những năm qua, mặc dù ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã tập trung giải quyết nhưng tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới (NTM) vẫn còn dây dưa, nhất là đối với cấp xã.
Cấp xã phải giải quyết dứt điểm nợ trong quý 2 năm 2019. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: VĂN SỰ |
Nợ kéo dài
Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, tính đến ngày 31.12.2018, tổng số nợ đọng toàn tỉnh đối với các xã thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 37,6 tỷ đồng, gồm tỉnh nợ 967 triệu đồng, cấp huyện nợ hơn 5,4 tỷ đồng và cấp xã nợ gần 31,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ công trình đã quyết toán hơn 22,6 tỷ đồng và nợ công trình chưa quyết toán hơn 15 tỷ đồng. Còn trong 2 năm 2016 – 2017, tổng số nợ khối lượng là hơn 144 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương nợ gần 9,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh nợ hơn 11,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện nợ hơn 67,8 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ xấp xỉ 55 tỷ đồng. Trong đó, nợ công trình đã quyết toán hơn 34,7 tỷ đồng và nợ khối lượng công trình chưa quyết toán hơn 109 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số nợ khối lượng/kế hoạch năm 2018 là hơn 355 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương nợ gần 154,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh nợ hơn 34,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện nợ 95,7 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ gần 70,5 tỷ đồng. Hầu hết công trình đều đang thi công (chuyển tiếp) hoặc đang nghiệm thu, chuẩn bị quyết toán.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện chương trình NTM do UBND tỉnh vừa tổ chức, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2018 nợ đối với các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm hơn 128,1 tỷ đồng so với cuối năm 2016 (từ gần 165,8 tỷ đồng xuống còn hơn 37,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, nợ của một số địa phương vẫn còn nhiều như Đại Lộc hơn 20,1 tỷ đồng, Phú Ninh hơn 3,5 tỷ đồng, Tây Giang hơn 3,9 tỷ đồng, Thăng Bình hơn 2,6 tỷ đồng, Tam Kỳ hơn 1,2 tỷ đồng... “Nợ này chủ yếu là nợ của cấp xã và các nguồn khác. Điều đó thể hiện lãnh đạo các huyện chưa quan tâm trong việc chỉ đạo xử lý dứt điểm nợ và quyết toán dự án hoàn thành” – ông Muộn nói.
Còn đối với nợ khối lượng giai đoạn 2016 - 2017 và nợ khối lượng/kế hoạch năm 2018, theo ông Lê Muộn khoản nợ này chủ yếu là nợ khối lượng phát sinh đến thời điểm báo cáo. Nguyên nhân chính do bố trí một phần vốn để khởi công công trình mới, sau đó tiếp tục bố trí để thanh toán khối lượng ở năm kế hoạch tiếp theo, vì thế luôn có một khoản nợ khối lượng nhất định và ngân sách nhà nước chỉ bố trí đủ khi các địa phương phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cũng như làm rõ công nợ (bố trí vốn dự án nhóm C không quá 3 năm theo quy định tại Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 10.9.2015 của Chính phủ).
Tập trung xử lý dứt điểm
Trước tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình NTM vẫn cứ dây dưa, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, xử lý nợ khối lượng cấp xã từ nguồn vốn UBND tỉnh đã phân bổ trong năm 2018 (nguồn cải cách tiền lương ngân sách tỉnh hỗ trợ). Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng điều phối NTM tỉnh theo dõi, giám sát các huyện, thị xã, thành phố trong việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ này cho cấp xã để báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo nếu địa phương không ưu tiên trả nợ khối lượng thuộc nhiệm vụ chi của cấp xã, để nợ cấp xã kéo dài, không thanh toán. “Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trong quý II năm 2019 chưa xử lý xong nợ khối lượng của cấp xã, nhất là các xã đã đạt chuẩn NTM” – Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã và chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được giao vốn để sớm nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; đồng thời chỉ đạo các xã bố trí ngân sách cấp xã đối ứng theo tỷ lệ quy định. Đặc biệt phải sớm lập hồ sơ, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó chú ý quyết toán phần đóng góp của nhân dân theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại Công văn số 7080/UBND-KTTH (ngày 15.12.2017) để có cơ sở bố trí phần nợ ngân sách nhà nước các cấp theo quy định. UBND cấp huyện có kế hoạch bố trí thêm ngân sách cấp huyện cho các công trình của những xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019 - 2020 để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Về giải pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình NTM, ông Lê Muộn cho biết, đối với khoản nợ của ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh thì UBND tỉnh đã bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 tại Quyết định số 150/QĐ-UBND (ngày 12.1.2018) và Quyết định số 3244/QĐ-UBND (ngày 29.10.2018) của UBND tỉnh. Khi phân bổ vốn hàng năm, sẽ ưu tiên bố trí vốn để thanh toán phần nợ này. Còn đối với khoản nợ của ngân sách các huyện, thị xã, thành phố thì chính quyền các địa phương đã dự nguồn trong kế hoạch trung hạn của cấp huyện, nguồn xây dựng cơ bản tập trung. Khi công trình có quyết toán và xác định công nợ thì UBND cấp huyện sẽ phân bổ trả nợ. Bởi, nợ ngân sách cấp huyện đã được HĐND cấp huyện thống nhất trước khi UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch trung hạn 2018 - 2020. “Riêng đối với khoản nợ của ngân sách cấp xã, UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ thanh toán từ nguồn cải cách tiền lương năm 2018 và đã phân bổ cho các địa phương. Vì vậy, đề nghị UBND cấp huyện rà soát, trả dứt điểm nợ cấp xã trước quý II năm 2019 từ nguồn này, phần còn lại mới thực hiện các nội dung khác. Còn đối với nợ của những nguồn khác, các địa phương cần tiếp tục huy động ngày công, vật tư, vật kiến trúc... của cộng đồng dân cư, người dân để đưa vào giá trị quyết toán công trình” – ông Muộn nói thêm.
NGUYỄN SỰ