Nuôi gà theo mô hình úm con
Với hiệu quả bước đầu từ phương pháp chăn nuôi gà theo mô hình úm con 1 ngày tuổi, nhiều gia đình ở huyện Nam Giang kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng thoát nghèo.
Từ hiệu quả bước đầu theo mô hình chăn nuôi gà úm con 1 ngày tuổi, thời gian tới, Nam Giang sẽ tiếp tục nhân rộng tại các địa phương. Ảnh: Đ.N |
Mô hình mới
Khác với trước đây, từ khi mô hình nuôi gà kiểu mới được đưa về áp dụng tại địa phương, chị Pơloong Thị Do ở thôn Pà Căng, xã Cà Dy (Nam Giang) trở nên bận bịu với việc chăm sóc đàn gà của gia đình. Chị Do chia sẻ, mặc dù quá trình chăm sóc đàn gà con có phần mất nhiều thời gian, nhưng bù lại tỷ lệ sống đạt rất cao, trọng lượng vượt trội hơn so với phương thức nuôi truyền thống trước đây. Theo đó, qua tháng đầu tiên nuôi thử nghiệm theo mô hình mới, cân nặng mỗi con gà khoảng 400 - 500g và liên tục tăng trưởng ở các tháng tiếp theo. Vì thế, chị Do nói, đây là cơ hội để các hộ dân địa phương chuyển đổi phương pháp chăn nuôi gà theo mô hình mới đảm bảo kỹ thuật chăm sóc, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. “Trước đây, nuôi thả tự nhiên, gà con thường chết nhiều, mỗi lứa chỉ sống sót khoảng vài con. Nhưng từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi mới này, tỷ lệ gà con còn sống đạt gần 100%, tăng trưởng khá nhanh” - chị Do cho biết thêm.
Để đảm bảo cho quá trình chăn nuôi theo mô hình mới, ngoài kiên cố chuồng trại, chất độn lót, các hộ dân còn được hỗ trợ về kỹ năng chăm sóc đàn gà, từ pha chế thức ăn, nước uống, cho đến giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ. Theo bà Doãn Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Giang, trước khi phối hợp đưa về mô hình chăn nuôi gà úm con 1 ngày tuổi, bên cạnh trực tiếp hướng dẫn nâng cao kiến thức cho bà con, trung tâm còn xây dựng kế hoạch hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, giúp đồng bào làm quen dần với mô hình chăn nuôi mới ở đàn gà. “Qua đánh giá, bước đầu mô hình đã cho hiệu quả nhất định, tỷ lệ gà con sống rất cao, trọng lượng tăng dần theo từng tháng. Đây là cơ hội tạo sinh kế mới cho các hộ dân theo mô hình chăn nuôi gà thương phẩm” - bà Tuyết nói.
Sẽ nhân rộng
Ông Hồ Thanh Sơn - Trưởng Chương trình vùng huyện Nam Giang (thuộc tổ chức Tầm nhìn thế giới) cho hay, từ hiệu quả bước đầu trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp úm con 1 ngày tuổi, tới đây, Chương trình vùng Nam Giang sẽ tiếp tục xây dựng đề án hỗ trợ, phối hợp nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo nền tảng giúp đồng bào miền núi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà theo phương pháp mới, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. “Mô hình này đang được chúng tôi đưa vào thử nghiệm tại 4 câu lạc bộ dinh dưỡng ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, với tổng số gần 3 nghìn gà con. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp bà con miền núi trong vùng dự án cải thiện sinh kế, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, bằng phương pháp chăn nuôi úm con, ngoài đảm bảo kỹ năng chăm sóc đàn gà tốt hơn theo hướng khép kín chuồng trại, người dân còn dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh từ bên ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi giúp phòng tránh được sự cố lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao theo mô hình gà thịt thương phẩm đặc trưng ở vùng cao. Ngoài ra, quá trình so sánh giữa gà con nuôi thả tự nhiên với gà con nuôi phương pháp úm, khả năng sinh trưởng cũng chênh lệch nhau, bởi điều kiện chăm sóc theo kỹ thuật úm con khá đảm bảo và thích nghi với môi trường sống ban đầu của gà con.
Những năm qua, từ nguồn vốn tài trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới, Chương trình vùng huyện Nam Giang đã triển khai thực hiện 4 nhóm dự án hỗ trợ cộng đồng, liên quan đến giáo dục, y tế, dinh dưỡng và xây dựng năng lực cộng đồng. Theo đó, bên cạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở trường học và thành lập các câu lạc bộ chăm sóc trẻ em, đơn vị còn hỗ trợ cây giống, con vật nuôi, cùng các chương trình tập huấn nâng cao năng lực trong phát triển mô hình kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong vùng dự án, gồm: Tà Pơơ, Chà Vàl, Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ. Qua đánh giá bước đầu, hầu hết mô hình, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và trẻ em miền núi trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sinh kế, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
ALĂNG NGƯỚC - VĂN KHANH