Bảo tồn và phát triển cây dược liệu: Chú trọng nguồn giống bản địa

HOÀNG LIÊN 23/10/2018 06:55

Nhằm cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về bảo tồn, phát triển cây dược liệu, nhiều mô hình, dự án về bảo tồn, phát triển cây dược liệu bản địa đã khởi động từ thực tiễn.

Mô hình vườn ươm ba kích tại xã Lăng, Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mô hình vườn ươm ba kích tại xã Lăng, Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vào cuộc mạnh mẽ

Quảng Nam là địa phương có nguồn cây dược liệu được đánh giá phong phú và đa dạng về chủng loại với 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc; 36 loài cây thuốc có tên trong sách đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, ngũ vị tử, nấm ngọc cẩu, chè dây… Đến nay, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Đầu năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha. Theo đó tiểu vùng núi cao diện tích hơn 55.200ha, chiếm 86% diện tích quy hoạch; Riêng các huyện miền núi tây bắc của tỉnh với diện tích 35.074ha (Đông Giang: 7.664ha, Nam Giang: 16.052ha, Phước Sơn: 729ha và Tây Giang: 10.629ha), chiếm gần 55% diện tích quy hoạch.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đảm bảo việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý một số cây dược liệu theo Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, sở giao cho Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện Đông Giang, Tây Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi, Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My triển khai trồng bảo tồn chủ động kết hợp với sản xuất giống từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh. Nhất là các huyện miền núi gắn với phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân với diện tích trồng bảo tồn chủ động là 25ha. Trong đó, vườn bảo tồn giống ba kích tím của huyện Tây Giang có diện tích 6ha, vùng bảo tồn ba kích tím huyện Đông Giang 4ha, huyện Phước Sơn 7,5ha bảo tồn giống sa nhân tím và huyện Nam Trà My là 7,5ha, bảo tồn đảng sâm.

Vùng bảo tồn, phát triển giống cây dược liệu ở Tây Giang được quy hoạch trên tổng diện tích 6ha tại xã Lăng và chỉ mới trồng bảo tồn được 1,5ha cây ba kích tím phục vụ nhân giống và tiếp tục trồng nhân rộng. “Khó khăn hiện nay là giống dược liệu khai thác trong tự nhiên dần cạn kiệt, nguồn giống dược liệu đang khan hiếm. Công tác kiểm soát chất lượng giống chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng giống trôi nổi để sản xuất. Mục tiêu của việc bảo tồn là quy hoạch, khai thác giống chuẩn trong tự nhiên, giống trội phục vụ nhân giống. Về lâu dài sẽ bình tuyển, chọn những cây đầu dòng, cây mẹ tạo giống có chất lượng, năng suất cao, sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận” - ông Muộn nói.

HTX cung ứng ba kích tím

Ông Ngô Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho hay, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện là đơn vị quản lý nhà nước về các thủ tục, cơ chế, chính sách, chủ động phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng) triển khai công tác bảo tồn, đánh giá tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện. Khu bảo tồn nhân giống hiện thuộc lâm phận của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, đây là khu vực thuận lợi, được huyện thống nhất cao. Về HTX, có năng lực bảo tồn, cung ứng giống tốt, chủ động về thị trường giống lẫn sản phẩm ba kích thương phẩm, đất đai đảm bảo trong mở rộng, phát triển diện tích về sau.

Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Lâm nghiệp Thiên Bình chia sẻ, HTX mới thành lập năm 2017, với một số thành viên từ Tổ hợp tác sản xuất giống ba kích chuyển sang. Hiện HTX chỉ mới trồng được 1,5ha ba kích tím một năm tuổi và đang tiếp tục trồng. Nguồn giống ba kích HTX có thể tự cung tự cấp, ngoài sản xuất giống bằng giâm hom truyền thống tại vườn ươm rộng 1.000m2. HTX còn chủ động phối hợp tạo giống ba kích nuôi cấy mô cho sản lượng cây giống lớn. HTX cũng phát triển vùng trồng bảo tồn trên diện tích 6ha, có sự liên kết với người dân có rừng và có kinh nghiệm trồng ba kích. Khoảng 3 năm nữa, nguồn giống cũng như sản lượng ba kích thương phẩm sẽ dồi dào. “Giá thành ba kích tím ở Tây Giang vẫn còn khá cao,  400 - 500 nghìn đồng/kg tươi. Đây là giá không phải người tiêu dùng nào cũng dễ tiếp cận. HTX quyết tâm hạ giá sản phẩm xuống còn 150 - 200 nghìn đồng/kg tươi, tạo sản phẩm ba kích nấu cao để ai cũng có thể dùng” - ông Hiển nói.

Từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX, HTX Lâm nghiệp Thiên Bình vừa được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng trụ sở làm việc và khu trưng bày sản phẩm dược liệu. Dự án Tiểu vùng sông Mê Kông (BCC) tại Tây Giang cũng có hỗ trợ thiết thực với HTX này trong xây dựng website quảng bá, logo, bao bì sản phẩm sau đóng gói, tạo điều kiện cho ban quản trị và xã viên tham gia các khóa tập huấn, hỗ trợ chi phí cho xã viên tham quan các mô hình sơ chế, chế biến dược liệu ở phía Bắc. Phía HTX cũng có sự hợp tác, liên kết với xã viên trong việc cung ứng giống chuẩn, bao tiêu sản phẩm từ các vệ tinh, trợ giá phân bón giá gốc cho xã viên. “Vào HTX kiểu mới này, xã viên phải thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng ỷ lại, xin cho nữa. Quy trình ươm giống, trồng và chăm sóc ba kích tím được HTX và xã viên quay video lại dùng làm cơ sở chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm về sau” - ông Hiển nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN