Mở hướng cho nông nghiệp Thăng Bình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã gợi mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình là tập trung ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ tại buổi làm việc với địa phương vừa qua.
Sản phẩm nước mắm Cửa Khe của huyện Thăng Bình. Ảnh: V.QUANG |
Nhiều cái khó
Đến thời điểm này, huyện Thăng Bình đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Công ty Sản xuất và chế biến thực phẩm Quảng Nam đầu tư giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tại tổ 8 (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục) với nguồn vốn 13 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường 200 - 300 tấn thịt gia súc mỗi năm. Công ty TNHH Đỗ Hoàng đầu tư sản xuất đồ gỗ nội thất ở Cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò với vốn đầu tư 10 tỷ đồng. Công ty TNHH Bình An Phú đầu tư 15 tỷ đồng để sản xuất dăm gỗ tại thôn Bình An, xã Bình Định Bắc. Công ty Thiên Việt Quảng Nam đầu tư chế biến nông sản với quy mô 5ha tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đánh giá, việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, thị trường chưa rộng mở, quy mô nhỏ lẻ. “Các sản phẩm nông nghiệp nổi bật trên địa bàn như rau Mỹ Hưng, nước mắm Cửa Khe, thịt heo sạch theo chuỗi ở Hà Lam dù xây dựng được tiếng thơm nhưng chưa xứng tầm. Cái khó trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế nên sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng kỳ vọng. Hạ tầng phục vụ sản xuất như điện, đường, thủy lợi còn chưa đảm bảo nên canh tác nông nghiệp gặp khó và khiến một số doanh nghiệp ngại đầu tư” - ông Hương nói.
Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hiện có một số doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn. Tập đoàn T&T dự kiến đầu tư sản xuất trên diện tích 370ha tại thôn 4, xã Bình Dương và 197ha tại các xã Bình Đào và Bình Minh. Công ty Khương Cường Thịnh dự kiến đầu tư chăn nuôi heo trên diện tích 12ha tại thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam. Các công ty TNHH Kim Hoàng, Công ty TNHH Long Thịnh Hưng đang đầu tư sản xuất giống thủy sản tại Trung tâm Sản xuất - kiểm định giống thủy sản (thôn Phương Tân, xã Bình Nam). Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng hiện vẫn còn nhiều cái khó để phát triển. Vùng đông Thăng Bình nằm trong quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai, khó về quỹ đất. Vùng này tỉnh lại có định hướng phát triển du lịch, dịch vụ nên khó đầu tư cho nông nghiệp. Vùng tây của huyện có quỹ đất dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư. “Huyện rất mong UBND tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng tại vùng tây cũng như giới thiệu các doanh nghiệp về khảo sát tại đây để đầu tư sản xuất nông nghiệp” - ông Cường nói.
Hướng đi mới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý huyện Thăng Bình cần đặc biệt chú ý đến yếu tố quy hoạch để có thể phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư công nghệ cao và hữu cơ được bền vững. Theo đó, cần tập trung, khai thông, tích tụ, bố trí các diện tích đất rộng lớn ở các xã Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều, Bình Sa, Bình Nam vào sản xuất nông nghiệp. Đối với các xã vùng tây cần phải có đề án cụ thể gắn với kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. |
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, huyện Thăng Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vì thế cần thu hút doanh nghiệp đầu tư. Khi đầu tư, không nhất thiết phải quy mô quá lớn mà tập trung vào loại hình, mô hình thiết thực. Theo đó, sản xuất theo chuỗi, ổn định đầu ra. Trong quá trình sản xuất, đòi hỏi phải đồng bộ các yếu tố kỹ thuật, quy trình canh tác, chăm sóc, khống chế dịch bệnh, cơ giới hóa, giống, thức ăn. “Yếu tố then chốt trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là phải tập trung ruộng đất. Quá trình đầu tư sản xuất cần loại trừ các yếu tố gây hại môi trường sinh thái, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân” - ông Lê Muộn nói. Ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình góp ý, hiện trạng đất đai trên địa bàn gồm đất lúa, đất ở, rừng phòng hộ, công trình công cộng đan xen nên cần xem xét kỹ các giải pháp giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và sinh kế ổn định cho người dân trong vùng dự án. Nên xem xét rõ ý tưởng đầu tư sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp, tránh “treo” dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ làm vệ tinh nên thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Muốn làm tốt việc này thì phải đặt niềm tin vào doanh nghiệp, phải nhiệt tình hướng dẫn họ thực hiện nhanh các hồ sơ, thủ tục. Huyện Thăng Bình nhất thiết phải có 1 cơ quan làm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, tránh xảy ra doanh nghiệp phải chạy chỗ này, chỗ kia. Về định hướng, Thăng Bình cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Vùng tây cần phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, chế biến gỗ, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Nông nghiệp hữu cơ ở khu vực này rất thuận tiện vì có thủy lợi Phú Ninh đảm bảo nguồn nước. Vùng đông chia làm 2 khu vực, đông và tây sông Trường Giang. Ở đông sông Trường Giang cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không cần chạy theo quy mô lớn mà chú trọng đầu tư hiệu quả, kết hợp với du lịch, vừa có thu nhập từ nông nghiệp vừa có thêm nguồn thu khi là sản phẩm du lịch. “Khi đầu tư, nếu đất đai vùng dự án thuộc quản lý của Nhà nước thì giao hẳn cho doanh nghiệp thuê lâu năm, còn nếu đất thuộc sở hữu của người dân thì phải tích tụ, tập trung đất đai rồi liên kết sản xuất. Thăng Bình cần củng cố lại hoạt động của kinh tế tập thể để tổ chức sản xuất tốt hơn cho người dân khi liên kết. Đối với rau sạch Mỹ Hưng và nước mắm Cửa Khe, huyện cần có hỗ trợ thích hợp, kích thích mở rộng quy mô sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
VIỆT QUANG