Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững

VĂN SỰ 05/01/2018 08:36

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm nông nghiệp 2017 trên phạm vi toàn quốc, do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua 4.1. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo một số đơn vị liên quan.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi, bão lũ liên tục xuất hiện, giá cả thị trường biến động mạnh nhưng nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía nên năm 2017 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của cả nước đã đạt được những thành quả quan trọng. Năm qua tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông - lâm - thủy sản trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 898.615 tỷ đồng, tăng hơn 103 tỷ đồng so với năm 2016. Tại Quảng Nam, năm 2017 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh ước đạt 12.913 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm trước. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2017 trên địa bàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 72 xã, chiếm tỷ lệ 35,2%. Hiện nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 1 xã trên toàn tỉnh là 13,11 tiêu chí, tăng 10,50 tiêu chí/xã so với thời điểm năm 2010; năm 2017 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 27,6 triệu đồng, tăng gần 3,6 triệu đồng so với năm 2016…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để tạo động lực cho nông nghiệp - nông thôn phát triển mạnh và bền vững, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Theo đó, Bộ NN&PTNT và chính quyền 63 tỉnh, thành phố cần tập trung đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của ngành, lĩnh vực, địa phương theo 3 trục chính là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh, nhóm đặc sản làng, xã. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất thì cần tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến hành rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng điều chỉnh quy mô các loại vật nuôi, đảm bảo tiêu thụ kịp thời với giá có lãi cho người chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và áp dụng rộng rãi những tiến bộ của khoa học công nghệ, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, cần tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, tích cực nhân rộng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn và tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết những rào cản, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, uy tín, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam…

VĂN SỰ  

VĂN SỰ