Sản xuất vụ đông xuân ở Nông Sơn: Khó cải tạo đất

TÂM LÊ - MINH THÔNG 15/12/2017 09:44

Đang vào thời điểm sản xuất vụ đông xuân, nhưng ở huyện Nông Sơn, người dân gặp khó do phần lớn diện tích đất sản xuất bị sạt lở, bồi lấp nặng.

Nông dân xã Quế Lâm lo lắng khi đất canh tác bị cát vùi lấp nặng.
Nông dân xã Quế Lâm lo lắng khi đất canh tác bị cát vùi lấp nặng.

Là thời điểm bắt đầu sản xuất vụ màu đông xuân 2017 - 2018 nhưng gia đình ông Đoàn Văn Đó (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm) vẫn chưa dọn dẹp 3 sào đất ở đồng Sũng Chè. Do nước lụt ngập sâu và dài ngày, toàn bộ đất sản xuất của ông nằm sâu dưới lớp bùn dày hơn nửa mét. Ông cho biết, mọi năm lụt bồi đắp phù sa còn năm nay thì bồi toàn đất đỏ Trường Sơn, đặc quánh và không màu mỡ. “Để canh tác được trên diện tích đất này phải đợi bùn khô, cày lên, băm đất rồi mới gieo trồng được. Tuy nhiên nếu gặp mưa thì phải làm lại từ đầu vì bùn sẽ nhão nhẹt ra. Giờ phải tranh thủ làm được chừng nào hay chừng đó, vì nếu trễ lịch thời vụ thì vụ sau cũng bị trễ và không đạt năng suất” - ông Đó cho biết thêm.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng cát vùi lấp lớp đất thịt canh tác hoa màu của người dân, tập trung ở hai thôn Tứ Trung 1, Phước Hội (xã Quế Lâm). Ba sào đất ven sông canh tác dưa, sắn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Trần Ngọc Năm (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm). Tuy nhiên, sau cơn bão số 12 vừa qua, toàn bộ diện tích này bị cát sông vùi lấp dày gần 2m. Ông Năm cho biết: “Với loại cát này, bằng sức người khó có thể cải tạo để sản xuất như trước đây. Còn nếu chuyển đổi cây trồng thì cũng không có cây gì sống nổi trên cánh đồng cát không chất dinh dưỡng như thế này”. Diện tích đất màu ven sông Thu Bồn trên địa bàn thôn Tứ Trung 1 “sa mạc hóa” với lớp cát dày. Hiện gia đình ông Năm cũng như nhiều hộ khác có đất canh tác ở khu vực này lâm vào cảnh khó khăn vì thiếu đất sản xuất.

Theo thống kê, xã Quế Lâm có gần 10ha đất sản xuất hoa màu bị bùn đất và cát bồi lấp, trong đó hơn 50% diện tích này không thể sản xuất được. Ông Trần Văn Sang – Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết: “Trước tình trạng trên, địa phương đã kiểm tra thực địa, tổ chức họp ở từng thôn, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng sang các loại như đậu phụng, sắn, dưa hấu, đồng thời sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ nhân dân cải tạo đất phục vụ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực”. Cùng với địa phương, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn cũng tổ chức tập huấn cho các hộ trên địa bàn xã Quế Lâm tham gia mô hình trồng thâm canh cây đậu phụng kết hợp công cụ gieo hạt vụ đông xuân năm 2017 - 2018. Ông Trần Văn Lưu, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết, 51 hộ dân trên địa bàn xã Quế Lâm tham gia mô hình trồng thâm canh cây đậu phụng kết hợp công cụ gieo hạt sẽ được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón và 50% tiền mua công cụ gieo hạt.  

Theo Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, sau đợt lũ vừa qua có gần 200ha đất sản xuất bị sạt lở, bồi lấp. Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn nói: “Để ổn định sản xuất cho người dân, phòng phối hợp với Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn hỗ trợ 1 tấn bắp giống cho nhân dân, đồng thời lồng ghép tập huấn sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, vận động bà con lựa chọn, chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với hiện trạng đất. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương lồng ghép nhiều nguồn vốn, nguồn vận động, hỗ trợ người dân cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống”.

TÂM LÊ - MINH THÔNG

TÂM LÊ - MINH THÔNG