Nông dân thành tỷ phú

HOÀNG LIÊN 12/09/2017 09:32

Từ việc áp dụng mô hình kinh tế phù hợp thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu thị trường, nhiều nông dân xứ Quảng có thu nhập tiền tỷ, tậu được nhà cửa khang trang, sắm xe hơi, nuôi con cái ăn học nên người…

1.  Nằm giữa vùng rừng núi mênh mông, thôn 2 xã Sông Trà (Hiệp Đức) giáp ranh với huyện Phước Sơn được xem là nơi có nhiều người dân có thu nhập khá giả so với nhiều thôn khác ở Sông Trà nói riêng, huyện Hiệp Đức nói chung. Toàn thôn có gần 90 hộ, chiếm phân nửa là số hộ có thu nhập cao nhờ kinh tế rừng (trồng keo, cao su) kết hợp chăn nuôi bán thâm canh (bò thịt, heo rừng lai). Tận dụng điều kiện thuận lợi của vùng đất, nhiều nông dân đã cần cù, tháo vát, vươn lên làm giàu với mức thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng. Trong số đó, có thể kể đến hộ các ông Trần Định, Trần Ly hay bà Nguyễn Thị Minh…

 Từ kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi bò, heo rừng, ông Trần Định vươn lên làm giàu. Ảnh: H.L
Từ kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi bò, heo rừng, ông Trần Định vươn lên làm giàu. Ảnh: H.L

Như hộ bà Nguyễn Thị Minh hiện sở hữu hơn 50ha đất rừng trên địa bàn thôn 2. Từ năm 2005 tới nay, bà Minh thuê nhân công, lao động phát quang rừng đồi trồng keo lá tràm, keo tai tượng trên toàn bộ diện tích. Mỗi lứa cây có chu kỳ 5 - 7 năm cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 900 tấn. Nhờ chú trọng nâng chất lượng rừng trồng bằng việc đưa giống keo tai tượng lai, keo lá tràm giâm hom vào trồng cùng với việc kéo dài thời gian khai thác nhằm tăng sinh khối, chất lượng gỗ, thu nhập đem lại từ rừng ngày càng tăng. Nhiều năm nay, keo khai thác được giá nhờ đường sá được mở thông, bình quân mỗi năm, nguồn thu nhập từ cây keo của gia đình bà Minh khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng tiềm năng từ rừng, gia đình bà Minh dựng trại chăn nuôi, phát triển đàn bò thịt theo hướng bán thâm canh. Vùng đồi núi thôn 2 thỉnh thoảng xuất hiện heo rừng, bà Minh bèn thả cho lai tự nhiên giữa heo nái F1 với heo rừng bản địa, nâng chất lượng đàn heo rừng giống. Mỗi năm, từ đàn heo rừng bà có thêm thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng, cùng hàng trăm triệu đồng từ đàn bò lai được bán giống, bán thịt có giá nhờ chất lượng tốt. Với nguồn thu nhập tiền tỷ từ rừng kết hợp kinh tế chăn nuôi gia trại, gia đình bà Minh nhiều năm liền là điển hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã và của huyện.

Hay gia đình ông Trần Định, sở hữu 15ha rừng trồng keo lá tràm và cao su cùng gia trại hàng chục con bò thịt, rồi đàn heo rừng lai có thời điểm lên tới 50 con. Ông Định cũng là một trong những tấm gương lao động cần cù, làm giàu từ đôi bàn tay trắng ở địa phương. Nhờ khai thác tận ngọn, trang bị xe chuyên dụng vận chuyển keo đưa đi tiêu thụ tận gốc, trung bình mỗi năm, diện tích keo cho gia đình ông Định thu nhập gần 200 triệu đồng. Không chỉ khai thác cho rừng keo của gia đình, ông còn đảm nhận dịch vụ khai thác, vận chuyển keo tiêu thụ cho bà con trong vùng để tăng thu nhập. Ngoài đàn bò thịt hàng chục con thả rừng, ông còn nấu rượu, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp làm nguyên liệu nuôi đàn heo rừng lai. Mỗi năm, riêng việc bán heo rừng giống và bán thịt đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập cả trăm triệu đồng. “Dịp lễ, tết, người mua phải đặt hàng trước một tháng mới có heo thịt. Nhu cầu tiêu thụ rất cao mà nguồn cung còn hạn chế nên thời gian tới tôi sẽ đầu tư nuôi thêm 2 heo rừng nái để nhân đàn. So với nuôi heo nhà, nuôi heo rừng cho lợi nhuận ổn định, ít cực nhọc; vật nuôi ít dịch bệnh lại mắn đẻ, thức ăn cũng đơn giản hơn heo nhà” - ông Định nói. Từ cuộc sống khó khăn, bây giờ ông Định đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm ô tô con, xe tải, lo cho 5 người con ăn học chu đáo.

2. Nếu ở rừng có thể làm giàu khi biết tận dụng lợi thế rừng, thì ở bãi bồi ven sông dưới đồng bằng người nông dân cũng dựa được vào vùng đất để trở thành tỷ phú. Như ông Hà Ngọc Phi ở thôn Trung Phú 2, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Gần chục năm nay ông Phi đã biến vùng bãi biền ven nà sông Thu Bồn đoạn qua thôn Trung Phú 2 và thôn Khuất Lũy của xã để hình thành vùng chuyên canh rau “sạch” các loại rau má, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt… cho thu nhập tiền tỷ. Từ vài sào rau má ban đầu, đến nay, ông Phi mở rộng diện tích chuyên canh loài rau này lên tới 8 sào. Nếu tính cả diện tích trồng các loại rau xanh la ghim khác lên tới 2,2 mẫu. Với mỗi lứa nuôi thời gian khoảng một tháng, rau má cho sản lượng 600 - 700kg/sào, với giá thành 25.000 đồng/kg, thu nhập từ mỗi sào rau má lên tới 17 - 18 triệu đồng. Tính ra, 8 sào rau má cho gia đình ông Phi khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể nguồn thu từ diện tích trồng các loại rau khác.

Ruộng rau má đang kỳ thu hoạch của ông Hà Ngọc Phi (xã Điện Minh, Điện Bàn). Ảnh:H.L
Ruộng rau má đang kỳ thu hoạch của ông Hà Ngọc Phi (xã Điện Minh, Điện Bàn). Ảnh:H.L

Được biết, rau má có sức sống mạnh, từ một lứa trồng đầu tiên, nếu biết kỹ thuật chăm sóc, có thể khai thác nhiều năm. Rau má lại ít sâu bệnh, chỉ sau một lứa cắt, tiếp tục tưới nước, bón phân, một tháng sau sẽ cho lứa thu hoạch tiếp theo. Những mùa lũ đi qua, vùng rau bị vùi lấp trong bùn nhưng chỉ qua thời gian ngắn là rau lại lên xanh. Nhờ giữ chữ tín với khách hàng, đáp ứng quy định nghiêm ngặt của cơ sở tiêu thụ, lại trang bị xe tải chở rau đến tận nơi cung ứng mà việc làm ăn, kinh doanh của gia đình ông Phi khá thuận lợi. Ông Phi nói: “Trồng rau má và làm giàu từ nó không khó, chỉ khó là làm sao đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rau an toàn, do đó buộc gia đình tôi phải sản xuất theo quy trình an toàn khắt khe. Với mặt hàng nào cũng vậy, một yếu tố quan trọng là phải kết nối được thị trường, nếu không sẽ bế tắc đầu ra”.

Ông Phi chia sẻ, gia đình ông bén duyên với nghề trồng rau má cách đây 6 năm, khi ông còn làm thương lái thu gom rau đưa đi các nơi tiêu thụ. Qua kết nối, ông nhận ký kết hợp đồng cung ứng rau má và các loại rau khác cho chuỗi siêu thị, công ty và chợ đầu mối. Theo đó, mỗi ngày ông phải cung ứng lượng rau má cho khách hàng gần 200kg, bất kể nắng mưa. “Kỹ thuật trồng rau, tôi chỉ mày mò học qua internet. Tuyệt đối không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu để phun, mà sử dụng chế phẩm sinh học để trừ sâu” - ông Phi chia sẻ. Ông cũng đang tính đến việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu rau an toàn cho vùng sản xuất rộng lớn lên tới vài mẫu của gia đình và một số hộ xung quanh. “Khi đã đăng ký nhãn hiệu, quy trình sản xuất rau, từ nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, dán nhãn phải chặt chẽ từ gốc tới ngọn. Sẽ vất vả hơn, song để hướng tới làm ăn lâu dài, tăng sức cạnh tranh, tôi buộc phải chú trọng xây dựng thương hiệu”  - ông Phi nói. Chuyện gia đình nông dân Hà Ngọc Phi có thu nhập tiền tỷ, tậu ô tô con, xe tải, xây dựng nhà cửa khang trang… từ đồng đất quê hương là điển hình tiêu biểu mà người dân trong vùng nể phục.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN