Thất bại với giống bí Rubi
Là giống cây được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế và hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay qua hai vụ mùa gieo trồng, giống bí Rubi vẫn “bí đường ra” ở huyện miền núi Bắc Trà My.
Vợ chồng anh Lê Tự Đạo (thôn 2, xã Trà Tân) cho biết 2 mùa vụ trồng thử bí Rubi đều thất bại. |
Kỳ vọng giống cây mới
Đầu năm 2017, bí Rubi là giống cây từ Nhật Bản được nghiên cứu và cho là phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng của huyện Bắc Trà My: đất đồi núi, đất nà bãi ven sông giàu dinh dưỡng, phì nhiêu màu mỡ thích hợp với nhiều loại giống cây trồng. Theo đó, Trạm Dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp và Phòng NN&PTNT huyện cùng phối hợp tổ chức mô hình trồng thí điểm giống bí đỏ Rubi xen canh cây bắp tại 5 xã Trà Dương, Trà Đông, Trà Giang, Trà Tân và thị trấn Trà My trên 12ha với 96 hộ dân tham gia. Để thực hiện mô hình này, phía Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Thắng cam kết sẽ hỗ trợ giống, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm. Sau khi trồng ra thành phẩm, công ty này sẽ thu mua tận nơi với giá 3 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy loại cây trồng này có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân đã bỏ những giống cây cũ như đậu phụng, bắp, đậu xanh để trồng bí. Anh Lê Tự Đạo (thôn 2, xã Trà Tân), một người dân tham gia mô hình trồng bí cho biết: “Theo như tính toán của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cũng như từ phía Công ty Việt Thắng thì mỗi sào bí sẽ cho 9 triệu đồng/vụ, mỗi vụ chỉ kéo dài 3 tháng. Như vậy, 2 sào đất trồng bí của tôi ít nhất cũng được 15 triệu đồng. Nghĩ vậy nên vợ chồng bàn với nhau bỏ làm đậu để chuyển qua giống cây mới này” - anh Đạo cho biết. Tương tự, chị Lê Thị Xuân (thôn 2, xã Trà Tân) cũng bỏ không làm giống cây truyền thống mà thử sức với giống cây mới. “Nghe giới thiệu thì ai cũng phấn khởi. Hầu hết người dân ở đây đều chuyển qua trồng loại bí này. Thời gian thu hoạch ngắn, lại được công ty cho ứng tiền giống, khi đến kỳ thu hoạch thì thu mua tận nơi ai mà không thích” - chị Xuân nói. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Thời tiết thất thường, mưa lớn đầu năm làm cho những cây giống này bị ngập úng, thối gốc khiến nhiều hộ dân bị mất trắng. Trong 5 xã đã tham gia trồng giống bí Rubi thì chỉ có mỗi xã Trà Tân là cây còn mọc và cho ra trái. Mùa vụ đầu tiên, người dân chỉ thu được một ít gọi là để bù vốn. Theo tính toán của anh Lê Tự Đạo, đợt đầu gia đình anh thu được 1,2 tấn bí Rubi, sau khi đã trừ tất cả khoản tiền đã ứng trước như giống, thuốc trừ sâu, phân bón... thì lãi chưa đến 200 nghìn đồng. “Khi trồng mới biết giống cây này cần rất nhiều phân bón, cộng với tiền giống, tiền thuốc trừ sâu và đặc biệt là tiền thuê máy cày thì coi như lỗ. Bởi vì công sức mình bỏ ra rất nhiều” - anh Đạo cho hay.
Lỗi tại ông trời
Sau vụ đầu tiên trồng bí thất bát, nhiều người dân ở các xã Trà Dương, Trà Giang trở lại sản xuất các giống cây ngắn ngày truyền thống. Riêng tại xã Trà Tân, nhiều người dân vẫn tin tưởng vào một vụ mùa bội thu hơn vì mùa đầu tiên là do “chưa quen và thời tiết không ủng hộ”. Nhưng đó cũng là lúc họ nhận ra rằng, giống cây này không thể đạt được hiệu quả kinh tế cao. “Không biết do đất đai, nước hay phân bón không đúng cách mà bí ra ít trái, trái lại nhỏ, không được giá nên lỗ lắm. Hơn nữa, loại bí này cho trái nhỏ, lại rất nhanh hư. Nếu không tiêu thụ liền thì chỉ 10 ngày là đã thối rửa hết rồi. Tính ra, nếu làm đậu phụng rồi ép dầu để bán thì cũng được tầm 6 - 7 triệu đồng/sào. Hơn 6 tháng, gia đình thất thu hơn 10 triệu đồng vì trồng giống cây mới” - chị Lê Thị Xuân cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dược - Trưởng trạm Dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp Bắc Trà My cho biết, đây là chuyện rất đáng tiếc, bí thất thu chủ yếu là do thời tiết bất lợi. “Toàn huyện chỉ có xã Trà Tân là trồng được, mà được trong cái mất chứ không phải là trúng mùa vụ” - ông Dược nói. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Thắng cho biết, phía công ty rất muốn bà con được mùa, bởi đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển giống cây mới ở đây, vừa cải thiện kinh tế cho người dân vừa tăng doanh thu cho công ty. “Nhưng do thời tiết không ủng hộ, bà con mất mùa nên đành chịu vậy. Thông thường, loại bí này sẽ cho trái to, số lượng nhiều nhưng người dân khi thu hoạch chỉ đạt được chừng phân nửa. Khi chúng tôi thu mua, đủ một xe container gần 20 tấn rồi mới chở ra cửa khẩu để tiêu thụ. Nhưng nay mỗi vụ chỉ đạt non vài tấn thì không thể chở đi được, vì như thế vừa tốn tiền vận chuyển mà ra đó chắc chắn người ta cũng chẳng nhận hàng vì không đạt chất lượng” - ông Nhàn cho hay.
Cũng theo ông Nhàn, dù công ty không chở bí Rubi ra cửa khẩu tiêu thụ nhưng người dân nào trồng ra được công ty đều mua lại với giá thị trường. “Chúng tôi tổ chức thu mua tất cả loại bí này. Sau đó để lại cho người dân sử dụng chứ không lấy đi. Hiện tại rất nhiều hộ dân còn nợ tiền giống với công ty, nhưng do biết hoàn cảnh của bà con khó khăn nên công ty không đòi. Chỉ mong các ngành chức năng địa phương có thể hỗ trợ phần nào thì hay phần đó” - ông Nhàn cho biết thêm.
NGUYỄN DƯƠNG