Cơ hội phát triển cây dược liệu

HOÀNG LIÊN 22/06/2017 11:25

Từ những chính sách, cơ chế bảo tồn, khuyến khích phát triển cây dược liệu và cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, những vùng dược liệu từng bước hồi sinh ở miền núi.

Già Clâu Năm (xã Lăng, Tây Giang) bên vườn ba kích tím dưới tán rừng nguyên sinh. Ảnh: Hoàng Liên
Già Clâu Năm (xã Lăng, Tây Giang) bên vườn ba kích tím dưới tán rừng nguyên sinh. Ảnh: Hoàng Liên

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Ngoài cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật có khả năng làm nguyên liệu dược, đáng kể là ba kích, đảng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam… phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn. Trước sự cạn kiệt của nhiều loài dược liệu tự nhiên, Quảng Nam đã có một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Cụ thể là Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND về “Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” cùng Quyết định số 2950 của UBND tỉnh năm 2016 về việc triển khai Nghị quyết 202. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tổng diện tích trồng mới, trồng xen canh cây dược liệu trên địa bàn tỉnh dự kiến được hỗ trợ từ cơ chế này khoảng 910ha liên quan tới 3 loài dược liệu chính như ba kích tím, sa nhân tím, đảng sâm trồng xen dưới tán rừng và nương rẫy, vườn nhà.

Mới đây, dự thảo “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Sở NN&PTNT xây dựng, trình lấy ý kiến của các bên liên quan. Theo đó, 6 loài dược liệu chính được quy hoạch trồng và phát triển qua 2 giai đoạn 2017 - 2020, 2020 - 2030. Ngoài điều tra hiện trạng phân bố tự nhiên, điều tra nhu cầu thị trường và đầu ra cây dược liệu, dự thảo hướng tới quy hoạch vùng trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng với 164.620ha (trong đó đảng sâm là 58.802ha, ba kích hơn 60.000ha, sa nhân tím 14.460ha, đương quy 1.652ha, giảo cổ lam 18.571ha, lan kim tuyến 12.566ha). Năm khu vực bảo tồn giống (trồng bảo tồn), kết hợp sản xuất, cung cấp nguồn giống cây dược liệu từ nguồn cây mọc tự nhiên được thiết lập tại khu vực rừng tự nhiên thuộc 5 huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Nam Trà My. Nhiều mô hình trồng dược liệu theo các hình thức dưới tán rừng, trồng thuần, trồng xen canh, trồng luân canh… sẽ được triển khai tại các địa phương, trọng tâm và ưu tiên là các huyện miền núi cao.

Đã có nhiều luận bàn, mổ xẻ, góp ý tích cực của các địa phương, đại diện các sở ban ngành về dự thảo này. Cụ thể, quy hoạch còn dàn trải, chồng lấn, có nhiều khu vực quy hoạch về chủng loại cây dược liệu chưa phù hợp với địa hình. Ví như với cây ba kích tím, đảng sâm thì phải quy hoạch trồng ở khu vực từ Đông Giang trở lên mới phù hợp. Quy hoạch hướng tới phát triển 185ha ba kích ở Nam Giang được xem là không phù hợp vì Tây Giang mới chính là “cái nôi” của cây ba kích tím, vốn có giá trị cao so với các loại ba kích khác. Phương án nghiên cứu khoa học, giải pháp đầu ra cho cây dược liệu còn sơ sài… Đánh giá dự thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, phạm vi quy hoạch cần phải mở rộng, hướng tới những loại cây có giá trị cao, có sức tiêu thụ tốt trên thị trường, bên cạnh 6 loài dược liệu trên. Quy hoạch cần phân kỳ rõ quá trình đầu tư, giải pháp thực hiện. Giải pháp về nguồn lực, chủ yếu phải từ doanh nghiệp, nhân dân chứ ngân sách nhà nước vốn rất hạn chế. Cần phải đưa doanh nghiệp về, hợp tác với doanh nhân trồng, cùng các mô hình trong dân. Có cơ chế doanh nghiệp nghiên cứu, chế biến chuyên sâu cây dược liệu, tạo sản phẩm giá trị; phát triển du lịch vùng dược liệu. Cùng với đó, Nam Trà My được chọn xây dựng vườn dược liệu quốc gia, bên cạnh xây dựng những vệ tinh lân cận…

Vào cuộc mạnh mẽ

Tây Giang và Nam Trà My là hai địa phương có sự vào cuộc mạnh mẽ phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Theo ông Lê Văn Hiếu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, giai đoạn 2011 - 2015, từ việc huy động các nguồn vốn 30a, 135 và các nguồn khác, Tây Giang đã chủ động hỗ trợ dân trồng cây bản địa ba kích, đảng sâm và tr’din với tổng vốn đầu tư 16,8 tỷ đồng, phát triển 144,6ha cây ba kích, 339,2ha đảng sâm và nhiều diện tích cây tr’din dưới tán rừng. Cũng từ nguồn 135, 30a và các nguồn khác, mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh; mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu táo mèo, mắc ca, dâu tây… đã cho kết quả. Năm 2016, Tây Giang tiếp tục hỗ trợ 68.626 cây giống ba kích cho 76 hộ trồng tập trung tại các xã Tr’Hy, Lăng, A Nông với diện tích 18,1ha; hỗ trợ 109.300 cây giống đảng sâm cho 60 hộ trồng tập trung tại xã Ga ri, A Xan với diện tích 16,27ha; phát triển cây đảng sâm tại xã Ch’ơm (53ha), A Xan (27ha)… Hiện có 3 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đầu tư trồng, thu mua, chế biến, kinh doanh cây dược liệu gồm Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh đầu tư di thực, trồng hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh tại Ga ri và Ch’ơm; di thực cây dâu tây, táo mèo, phát triển mô hình trồng sả chân… Ngoài ra, hai cơ sở sản xuất rượu ba kích và đảng sâm Chính Châu và Đức Huy cũng góp phần tiêu thụ, thu mua, cung ứng nguồn dược liệu bản địa của vùng.

Cây dược liệu dưới tán rừng đã góp phần thay đổi đời sống người dân vùng cao Tây Giang. Ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’ơm cho biết, 5 năm qua, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng không ngừng lớn mạnh ở Ch’ơm. Đến năm 2016, tổng diện tích đảng sâm toàn xã đã có 129ha. Mỗi năm, tổng sản lượng cây đảng sâm thu được hơn 3,5 tấn, trở thành nguồn lực xóa đói giảm nghèo ở vùng cao. Nhiều hộ trồng đảng sâm với diện tích lớn dưới tán rừng, bước đầu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như hộ ông Bling Bríu, Pơloong Ahêêm, Tangôn Lực, C’lâu Hăl… Một số mô hình trồng cây dược liệu lan tỏa trong dân như: trồng đảng sâm xen bắp nếp tại 2 thôn Đhung, Hjúh với diện tích 2ha; trồng cam bản địa tại thôn Hjúh, Réh với diện tích 33,4ha/81 hộ tham gia... Diện tích cây táo mèo trồng phân tán trong dân là 65ha; tr’đin hơn 40,1ha (201.739 cây). “Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã tiếp tục vận động nhân dân bảo vệ rừng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng. Đẩy mạnh triển khai giao khoán bảo vệ rừng tới từng hộ và chi trả dịch vụ môi trường rừng theo từng quý, từng năm. Đẩy mạnh xen canh cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường” - ông Vinh nói.

Nam Trà My phong phú, đa dạng về chủng loại cây dược liệu như quế Trà My, đảng sâm, sâm quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm), sơn tra, sa nhân… Hiện 10/10 xã của huyện đều triển khai mô hình nhóm hộ trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My chia sẻ: “Để giúp người dân từng bước thoát nghèo từ trồng cây dược liệu, cách làm của huyện là tuyên truyền, lập danh sách các hộ đăng ký trồng cây dược liệu gửi các ngành chuyên môn kiểm tra rồi cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật kết hợp với cơ quan, đơn vị được giao xuống tận cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, kiểm tra, đến khi nghiệm thu cây có tỷ lệ sống cao mới cấp kinh phí hỗ trợ. Việc lồng ghép các nguồn vốn, cơ chế của tỉnh, mỗi héc ta trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng (giống)”. Cũng theo ông Hải, trại ươm giống cây dược liệu xã Trà Nam (2,5ha), ươm các loại cây dược liệu chính cung ứng giống cho dân trồng dưới tán rừng với năng lực cung ứng 500.000 cây giống giai đoạn 2015 - 2016. Trên tinh thần Nghị quyết 202 của tỉnh, năm 2017, huyện tiếp tục gieo ươm hỗ trợ giống dược liệu 200.000 cây các loại, 500 - 600 nghìn cây quế. Vùng trồng sâm dưới tán rừng được tiếp tục phát triển tại Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam. Số lượng sâm Ngọc Linh tại các điểm trồng sâm trong nhân dân tại 3 xã trên lên tới 1.133ha với 779 hộ trồng. Trại sâm giống Tắk Ngo (Trà Linh) với 70ha sâm giống, tiếp tục đà phát triển.

Trên đất Nam Trà My, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ cây dược liệu, đặc biệt là tại xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang với nhiều tỷ phú sâm. Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du ở nóc Măng Lùng thôn 2; hộ ông Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Phải ở nóc Tắk Lang (Trà Linh); số hộ này hiện có hơn 100.000 cây sâm Ngọc Linh với nhiều độ tuổi. Không dừng lại ở phát triển cây sâm thương phẩm, nhiều hộ còn tập trung đầu tư phát triển cây giống để trao đổi, cung ứng cho nhân dân trên địa bàn xã, hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN