Phát triển cây mắc ca tại Nam Trà My

NGUYỄN DƯƠNG 13/05/2017 17:11

(QNO) - Ngày 12.5, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phối hợp với UBND huyện Nam Trà My tổ chức hội thảo đầu vườn và tư vấn vay vốn trồng, chăm sóc cây mắc ca. Trực tiếp giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân là chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các chuyên gia tư vấn.

Kỹ sư của Hiệp hội mắc ca đang hướng dẫn bà chon cách chăm sóc cây mắc ca tại vườn ươm xã Trà Nam, huyện Nam Trà My.
Kỹ sư của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây mắc ca tại vườn ươm xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Ảnh: N.D

Gần 200 người dân các xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Linh, huyện Nam Trà My tham dự hội thảo để nghe tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về loại cây mới này. Mắc ca được phát hiện trên thế giới cách đây 160 năm và du nhập vào Việt Nam chừng 20 năm trước. Thời gian gần đây được phát triển mạnh mẽ ở Gia Lai, Lâm Đồng và một số vùng trên cả nước. Đây là loại cây cho ra trái, hạt của nó có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn đậu (44,8%), nhân điều (47%)… Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Khi ăn vào giảm được cholesterol, có tác dụng phòng trị xơ cứu động mạch...

Phát hiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở huyện Nam Trà My phù hợp để trồng cây mắc ma này nên Hiệp hội Mắc ma Việt Nam đã trồng thử nghiệm ở vườn ươm xã Trà Nam, bước đầu cho kết quả phát triển tốt. Chính vì vậy, hiệp hội tổ chức hội thảo này nhằm giới thiệu cho nhân dân tại đây hiểu rõ hơn về nguồn lợi, truyền đạt kỹ thuật chăm sóc cây mắc đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, đồng hành với chương trình có Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ người dân vay vốn với nhiều lãi suất ưu đãi để đầu tư, giúp bà con có thể cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.

Ông Trần văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, với ưu thế thiên nhiên phù hợp, giống cây này là một hướng mới để người dân có thể phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống. Chính quyền địa phương rất ủng hộ, nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG