Nỗ lực bảo vệ lúa đông xuân

NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH 13/02/2017 08:36

Sau Tết Nguyên đán đến nay, nông dân huyện Duy Xuyên tất bật ra đồng tỉa dặm, bón phân, diệt chuột và phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm để cây lúa vụ đông xuân phát triển tốt, mang lại mùa vàng bội thu...

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Vừa bắt ốc bươu vàng trên ruộng, bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) vừa cho biết, vụ đông xuân này gia đình bà gieo sạ 3 sào lúa trên xứ đồng Bờ Hồng và Máy Quý. Theo bà Xuân, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ốc bươu vàng xuất hiện và cắn phá lúa non với mức độ ngày càng nặng. Mặc dù thời gian qua bà thường xuyên ra đồng bắt và tiêu diệt loài ốc nguy hiểm ấy nhưng vẫn không ngăn chặn được, vì vậy bà đang tính chuyện mua thuốc đặc hiệu về phun trừ nhằm hạn chế thiệt hại. Không riêng gì xã Duy Trinh, có mặt trên những cánh đồng thuộc các xã Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phước và nhiều địa phương khác của huyện, ở đâu chúng tôi cũng thấy nhà nông lội thăm ruộng lúa nhằm kịp thời phát hiện, diệt ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh, tránh để lây lan thành dịch trên diện rộng. Bởi, theo kinh nghiệm của nông dân, những ngày sau tết khí hậu ấm áp là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh phát triển mạnh.

Nông dân thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) bắt ốc bươu vàng, bảo vệ ruộng lúa.Ảnh: T.P
Nông dân thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) bắt ốc bươu vàng, bảo vệ ruộng lúa.Ảnh: T.P

Ông Trần Hưng - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Duy Xuyên cho biết, toàn huyện hiện có ít nhất 160 sào lúa bị ốc bươu vàng phá hại. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh nguy hiểm như bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu non… cũng xuất hiện rải rác trên hàng loạt cánh đồng với tỷ lệ gây hại bình quân 5%, tập trung chủ yếu tại xã Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Thu, Duy Trung, Duy Tân. Theo ông Hưng, để ngăn chặn sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là sâu non đang có dấu hiệu bùng phát mạnh, những ngày qua đơn vị khẩn trương phân công cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về tận cơ sở bám sát đồng ruộng nhằm nắm bắt cụ thể tình hình và hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ hiệu quả nhất. “Nhà nông cần thường xuyên thăm đồng, đắp bờ giữ nước theo phương châm vừa tiết kiệm vừa đảm bảo đủ nước cho cây lúa phát triển. Đặc biệt, đội ngũ khuyến nông viên phải thông báo kịp thời cho người dân biết các khu vực bị sâu bệnh tấn công nhằm chủ động theo dõi, khống chế. Nông dân cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Midan, Difluent phun trừ ngay những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh cấp tính và bón phân, chăm sóc một cách kỹ lưỡng. Đối với ốc bươu vàng, phải khẩn trương thu bắt, với những ruộng lúa ốc bươu vàng xuất hiện mật độ cao thì sử dụng những loại thuốc như Dioto, Tungsai 700WP hoặc Pazol 700WP phun trừ” - ông Hưng khuyến cáo.

Tập trung tiêu diệt chuột

Mấy ngày nay, bà Trần Thị Nết (khối phố Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước) phải thuê 2 lao động cùng bà cấy dặm lại nhiều vạt lúa non vừa bị chuột cắn phá. Bà Nết cho biết, cuối năm ngoái xuất hiện 2 cơn lũ muộn nhưng do phần lớn diện tích lúa của bà nằm ở ruộng cao nên thời gian qua chuột đồng sinh sôi và phát triển khá nhiều. “Vụ đông xuân này, gia đình tôi canh tác gần 6 sào lúa, chủ yếu là các giống trung và ngắn ngày. Điều khiến tôi lo nhất hiện nay là chuột bùng phát rất mạnh. Nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp tiêu diệt chuột hữu hiệu thì chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm mạnh” - Bà Nết nói. Nhiều hộ nông dân khác ở Nam Phước cũng chung nỗi lo trước tình trạng chuột gây hại ở những cánh đồng lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ và làm đòng. Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, để bảo vệ mùa màng, chính quyền địa phương đã phát động mạnh mẽ phong trào ra quân diệt chuột, đồng thời vận động nông dân hình thành các tổ diệt chuột cộng đồng và hướng dẫn những biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Theo ông Hưng, những ngày qua nhân dân ở 16 thôn, khối phố của thị trấn đã diệt hơn 12 nghìn con chuột. Để tiếp sức cho nhà nông, UBND thị trấn Nam Phước trả mỗi đuôi chuột giá 2 nghìn đồng.

Không riêng gì thị trấn Nam Phước, chính quyền nhiều địa phương khác của huyện Duy Xuyên cũng đã trích nguồn kinh phí không nhỏ mua thuốc sinh học hỗ trợ nông dân đánh bả và mua đuôi chuột. Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn nói: “Vụ đông xuân năm nay, nông dân trên địa bàn hợp tác xã gieo sạ 270ha lúa. Lo sợ mất mùa nên thời gian qua chúng tôi vận động bà con xã viên tiến hành nhiều đợt ra quân diệt chuột. Đặc biệt, đơn vị quyết định thu mua mỗi đuôi chuột với giá 3 nghìn đồng nhằm khích lệ người dân nỗ lực diệt loài sinh vật nguy hiểm này. Ngoài ra, 2 tổ diệt chuột cộng đồng ở thôn Trà Châu và Trà Kiệu Tây cũng hỗ trợ nhà nông với mức 2 nghìn đồng/đuôi chuột”. Trong khi đó, bà Đoàn Thị Nhân - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trung cho biết, địa phương đã mua 8kg thuốc sinh học Racumin cấp miễn phí cho nông dân đánh bả và hỗ trợ 5 nghìn đồng/đuôi chuột.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, vụ đông xuân năm nay, ngoài việc sản xuất 2.000ha cây trồng cạn các loại, nông dân huyện còn gieo sạ 3.800ha lúa. Nhằm ngăn chặn tình trạng chuột bùng phát mạnh, nhất là tại những xứ đồng tiếp giáp với các triền núi, gò đồi nhiều lùm cây, bụi rậm… ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền 14 xã, thị trấn đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng và hướng dẫn nông dân hàng loạt biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả. Ông Xuân nói: “Bằng nhiều biện pháp như đào phá hang, xông khói, đặt bẫy… nông dân trên địa bàn huyện đã tiêu diệt hơn 36 nghìn con chuột, tập trung nhiều nhất ở 5 xã là Duy Phước, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Châu, Duy Hòa. Để tiếp sức cho nhà nông, UBND huyện Duy Xuyên vừa chi 70 triệu đồng từ nguồn phát triển sự nghiệp nông nghiệp mua thuốc sinh học Racumin cấp phát về các địa phương”.

NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH

NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH