Dân lo thiếu giống sản xuất

VINH ANH 20/12/2016 15:24

(QNO) - Sáng nay 20.12, đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đến kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc. Nông dân hai huyện trọng điểm về rau màu này đều lo lắng và kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ về giống để kịp tái sản xuất mùa vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra thiệt hại mưa lũ tại cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc). Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra tình hình thiệt hại tại cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc). Ảnh: VINH ANH

Tại Điện Bàn, đoàn đã đến tìm hiểu tình hình thiệt hại tại cánh đồng bãi bồi An Hà (xã Điện Phong) và có buổi làm việc với thị xã Điện Bàn và 3 xã Gò Nổi là Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang. Theo ghi nhận của phóng viên, tại cánh đồng bãi bồi An Hà, toàn bộ diện tích hoa màu của người dân sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ gần như mất trắng. Nhiều diện tích ở vùng chuyên canh rau rộng hàng chục héc ta này bị đất, cát bồi lấp; rều rác và củi khô... nằm ngổn ngang trên đồng ruộng. 

Ông Đỗ Xuân Thủy (thôn An Hà, xã Điện Phong) cho biết, khoảng 4 sào hoa màu của gia đình ông như rau tầng ô, mồng tơi, cải xanh… vừa gieo trồng được khoảng 10 ngày chuẩn bị cho vụ rau tết đều bị ngập úng, cuốn trôi sau đợt mưa lũ. Trước đó, 3 sào ớt gieo trồng được 2 tuần cũng bị mất trắng trong đợt lũ trước. “Vụ rau này bà con làm để bán tết, giờ mưa lũ cuốn trôi hết rồi. Chúng tôi đang trông nắng ráo để tái sản xuất, mong vớt vát chút đỉnh. Nhưng hiện nay cây giống khan hiếm, người dân đang trông mong chờ từ sự hỗ trợ của chính quyền” – ông Thủy nói.  

Nông dân xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) kiểm tra ruộng đu đủ sau lũ. Ảnh: VINH ANH
Nông dân xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) kiểm tra ruộng đu đủ sau lũ. Ảnh: VINH ANH

Đoàn kiểm tra cũng đến cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) để kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại của bà con nông dân. Theo ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch xã Đại An, toàn xã có khoảng 233ha hoa màu các loại bị mất trắng, trong đó nhiều diện tích đã xuống giống đến lần 2, lần 3 nhưng cũng bị hư hại hoàn toàn. Hiện, người dân mong muốn được hỗ trợ cây giống để tái sản xuất vì sau 2 đợt mưa lũ liên tiếp, lượng cây giống trên địa bàn đã trở nên khan hiếm, đặc biệt là giống ớt. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng Phòng NN&PTNT thị xã Điện Bàn cho biết, tại Điện Bàn, bên cạnh thiệt hại về người (4 người bị chết) thì mưa lũ còn khiến cho 5.000 ngôi nhà bị ngập, 430ha hoa màu bị mất trắng sau 2 đợt lũ liên tiếp và trên 100ha diện tích đất nông nghiệp cùng nhiều trạm bơm bị bồi lấp, kênh bê tông, kè sông bị sạt lở. Ngoài ra, tình hình bồi lấp đất đát, cát do việc thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng gây thiệt hại nặng cho bà con, nhất là vùng sản xuất thuộc thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang) bị xói lở gần 500m. Ông Chơi đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ giống, nhất là giống ớt để bà con sớm tái sản xuất; đồng thời, hỗ trợ thuốc tiêu độc khử trùng, tạm ứng kinh phí để hỗ trợ khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, đường giao thông.

Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, cuốn trôi. Ảnh: VINH ANH
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, cuốn trôi. Ảnh: VINH ANH

Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, mưa lũ đã gây thiệt hại cho Đại Lộc khoảng 89 tỷ đồng, nặng nhất là nông nghiệp khi có đến 2.500ha hoa màu bị ngập, mất trắng, trong đó khoảng 120ha là vùng chuyên canh rau. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị cát, bùn bồi lấp nặng, khó tái sản xuất. Hệ thống trạm bơm ven sông với hơn 50 trạm bị bồi lấp; nhiều công trình thủy lợi hóa đất màu như cột điện, kênh mương thủy lợi... bị hư hỏng nặng. Tương tự như Điện Bàn, huyện Đại Lộc cũng kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ giống để nhân dân tái sản xuất; đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp lên khoảng 500 ngàn đồng/sào. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã dành nhiều thời gian xuống đồng gặp gỡ nông dân để nắm tình hình thiệt hại và động viên bà con vượt qua khó khăn, nhanh chóng tái sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh việc đánh giá cao chính quyền các địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị, chính quyền các xã của Đại Lộc và Điện Bàn nhanh chóng kiểm tra, thống kê chính xác đến từng hộ dân bị thiệt hại để sớm có phương án hỗ trợ nhân dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Sở NN&PTNT nghiên cứu phương án tối ưu để hướng dẫn các địa phương trong việc lựa chọn giống, cây trồng để tái sản xuất sau lũ, trong đó ưu tiên những loại giống ngắn ngày, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm việc với thị xã Điện Bàn và 3 xã Gò Nổi về tình hình thiệt hại mưa lũ. Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm việc với thị xã Điện Bàn và 3 xã Gò Nổi về tình hình thiệt hại mưa lũ. Ảnh: VINH ANH

Trước kiến nghị của các địa phương đề nghị tỉnh hỗ trợ về giống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, quan điểm của tỉnh là sẽ hỗ trợ tiền, không hỗ trợ về giống, phân bón. Mục đích là để người dân có kinh phí để chủ động trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp nhất với từng hộ, từng vùng, địa phương nhất định. "Các địa phương sớm trích một phần kinh phí để hỗ trợ trước cho người dân, không phải ngồi chờ kinh phí từ tỉnh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các địa phương khẩn trương nạo vét kênh mương; xử lý môi trường bằng việc tiêu động, khử trùng, dọn dẹp rác thải, xác động vật chết... Đồng thời, cho phép các địa phương nghiên cứu phương án kêu gọi doanh nghiệp đến tận thu cát ở những khu vực, công trình bị bồi lấp trên cơ sở tổng hợp báo cáo và có sự đồng ý của UBND tỉnh.

VINH ANH

VINH ANH