Kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Hiệp Đức: Đột phá nhờ cơ chế
Hiệp Đức đang tận dụng triệt để những thế mạnh về nguồn lực đất đai để đưa kinh tế vườn (KTV) - kinh tế trang trại (KTTT) lên vị thế xứng đáng, bằng các cơ chế, chính sách vượt trội.
Mấy năm nay, Hiệp Đức có cơ chế chính sách hỗ trợ vượt trội cho nông dân phát triển kinh tế vườn. Ảnh: T.H |
Từ vườn nhà ra thị trường
Nhiều năm nay, vùng trung du Hiệp Đức tập trung nhiều mô hình KTV-KTTT. Không chỉ đạt quy mô giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác, địa phương “lập kỷ lục” với con số 3.387 vườn nhà (mỗi vườn có diện tích tối thiểu từ 500m2 trở lên). Tính đa năng của các vườn nhà nơi đây là kết hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hộ ông Trần Tám (thôn Nhì Đông, xã Bình Lâm) có cuộc sống khấm khá nhờ biết khai thác tối ưu lợi thế đất vườn. Không theo phong trào chăn nuôi truyền thống, từ năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ 6 con heo nái, 3 lồng nuôi, ông Tám bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng mô hình đệm lót sinh học. Tiện ích của mô hình này ở chỗ: rác phân thải ra không gây ô nhiễm môi trường, lại vừa tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Trang trại này hiện có hơn 20 con heo nái, 100 con heo nuôi bán thịt và đàn vịt, gà đẻ trứng lên đến hàng trăm con. Theo ông Tám, nhiều năm qua việc thâm canh cây trồng trong vườn nhà không tốn một đồng mua phân bón; mỗi năm lãi ròng từ chăn nuôi và trồng trọt 100 triệu đồng, nhiều năm liền ông được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Các vườn nhà tại Quế Bình, Bình Lâm, Quế Lưu, Thăng Phước, Hiệp Hòa... phát triển rất mạnh cây hồ tiêu, thanh trà, bưởi trụ Đại Bình, lòn bon, cam sành, măng cụt, chuối, mít. Còn chăn nuôi chủ yếu là loại bò lai, bò siêu nạc, heo nái ngoại, heo siêu nạc, heo đen, gà thả vườn, gà Đông Tảo, chim trĩ. Tuy nhiên, đột phá nhất trong KTV thời gian qua là cây hồ tiêu. Ước tính hiện có hơn 40 hộ dân trên địa bàn huyện có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm từ vườn hồ tiêu. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, đến nay địa phương cải tạo được 3.082 vườn với diện hơn 468ha để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, đào ao nuôi cá. Mỗi vườn cho thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/năm. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện nhận định, những vườn trái cây ăn quả, nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn có khả năng phát triển theo hướng hàng hóa nếu nông dân biết liên kết, dựa vào nhau. KTV, KTTT đã làm xoay chuyển diện mạo nông thôn mới. Đây là ngành kinh tế quan trọng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 47,39% năm 2010 xuống còn 21,71% năm 2015, đóng góp lớn cho quá trình xây dựng nông thôn mới. “Chính quyền sẽ làm cầu nối liên doanh, liên kết giữa các chủ KTV, KTTT với các doanh nghiệp từ đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu biết khai thác, đầu tư hợp lý thì việc nâng giá trị kinh tế mỗi vườn lên 15 triệu đồng/năm trong vài năm tới là nằm trong tầm tay” - ông Viên khẳng định.
Cơ chế vượt trội
Điều gì khiến KTV, KTTT chiếm vị trí chủ chốt trong cơ cấu kinh tế của huyện? Theo ông Viên, mấu chót là địa phương đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách quyết liệt, có định hướng đúng. Phương châm “Nhân dân làm là chính, Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ và hỗ trợ” được quán triệt sâu rộng đến từng hộ dân, cá nhân. Sau đó, chính quyền mạnh dạn ban hành cơ chế chính sách vượt trội, tạo đòn bẩy cho nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Chỉ tính riêng khuyến khích mô hình trồng hồ tiêu, ngân sách huyện hỗ trợ 50 nghìn đồng/choái tiêu; hỗ trợ 50% chi phí bón lót và bón thúc năm đầu tiên; hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hệ thống nước để tưới cho mô hình cây tiêu. Đối với mô hình có diện tích thực hiện trên 1.000m2, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng. Tương tự, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua giống cây ăn quả, đưa mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 40 mô hình KTV chuyên trồng cây ăn quả.
Một số cây ăn quả mọc tự nhiên cũng được ngành nông nghiệp Hiệp Đức ưu ái hỗ trợ để mở rộng. Đơn cử tại thôn An Lâm, xã Thăng Phước có 15 vườn cây lòn bon mọc tự nhiên, chủ hộ thiếu đầu tư và chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao, nên để cải tạo vườn theo hướng bài bản, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ sau đầu tư 2 triệu đồng/vườn. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Như Công cho biết, đề án tiếp tục phát triển KTV, KTTT trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 là sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, đánh giá và nhìn nhận lại thành tựu cũng như hạn chế trong thực hiện những năm trước đây. Hàng loạt giải pháp mang tính bứt phá đã đưa ra, nhưng trước tiên chính quyền sẽ tiếp tục rà soát diện tích đất trồng, dây leo, bụi rậm, rừng phòng hộ, rừng dự án 661 nếu không phù hợp, kém hiệu quả thì điều chỉnh sang rừng sản xuất, thanh lý để quy hoạch phát triển trang trại lâm nghiệp hoặc trang trại chăn nuôi gia súc. Kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép để giao cho các hộ chưa có đất sản xuất hoặc cho các doanh nghiệp thuê để phát triển KTTT. Cạnh đó, địa phương khảo sát đánh giá lại hiện trạng diện tích của các gia trại, nếu gia trại nào có đủ điều kiện thì hướng dẫn cho các chủ gia trại được liên kết, hợp tác về đất đai, vốn để mở rộng đầu tư xây dựng trang trại đạt tiêu chí theo quy định.
Thời điểm này, Hiệp Đức giao hơn 19.875ha đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Toàn huyện trồng được hơn 17.870ha keo nguyên liệu, 1.710ha cao su tiểu điền và 2.498 ha cao su đại điền. Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển KTTT là 275 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay để đầu tư hơn 75 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn tự có của nhân dân. Còn đầu tư cho KTV gần 16 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có của người dân.
TRẦN HỮU