Chuyển đổi mô hình sản xuất
Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động khuyến nông nên nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng được không ít mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng
Năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu quan trọng khác cho 40 hộ dân ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) triển khai xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng việc sản xuất cây trồng cạn trên những chân đất lúa chuyển đổi. Ông Võ Văn Quang - Phó trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên cho biết, mô hình này được thực hiện trên 5ha đất lúa thuộc dạng cát pha ven núi, luôn bấp bênh nguồn nước tưới. Với phương thức canh tác vụ đông xuân trồng giống đậu phụng LDH01, còn hè thu trồng giống bắp lai CP333, trong năm nay bình quân 1ha đất của mô hình này mang lại cho nhà nông tổng thu nhập khoảng 74 triệu đồng. Sau khi trừ vốn đầu tư, nông dân có mức lãi ròng 37,2 triệu đồng/ha; trong khi đó nếu gieo sạ lúa cả 2 vụ thì chỉ lời chừng 8,8 triệu đồng. Như vậy, chuyển đất lúa sang sản xuất đậu phụng và bắp lai, người dân thôn Chiêm Sơn lãi thêm 28,4 triệu đồng/ha.
Tham quan mô hình trồng măng tây xanh ở phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.Ảnh: NHÃ PHƯƠNG |
Ngoài mô hình trên, trong năm 2016 này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ 140 hộ dân khác ở 2 huyện Thăng Bình, Núi Thành chuyển 19ha đất lúa khó khăn nước tưới, thường cho năng suất thấp sang sản xuất các loại cây trồng cạn, thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Bà Nguyễn Thị Bích Lợi - Phó phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh nói: “Tại xã Bình Định Nam của huyện Thăng Bình, chúng tôi hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình theo phương thức vụ đông xuân tỉa đậu phụng, hè thu trồng bắp lai xen canh với đậu xanh. Kết quả, bình quân 1ha đất nông dân thu về 86,6 triệu đồng; trừ chi phí, lãi ròng 53,8 triệu đồng/ha, tăng 47,5 triệu đồng/ha so với trước đây người dân sản xuất lúa. Còn ở xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành), với phương thức canh tác đậu phụng đông xuân - mè xuân hè - bắp lai hè thu muộn, năm nay nông dân địa phương có tổng thu nhập 123,1 triệu đồng/ha. Trừ vốn đầu tư, lãi ròng 98,5 triệu đồng/ha, tăng 91,5 triệu đồng/ha so với gieo sạ lúa. Không chỉ giá trị kinh tế tăng mạnh, những mô hình sản xuất cây trồng cạn trên các chân đất lúa chuyển đổi này còn giúp nhà nông tiết kiệm 60 - 70% lượng nước tưới”.
Bên cạnh các mô hình xen canh – gối vụ vừa nêu, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình tiếp sức cho rất nhiều hộ dân ở xã vùng cát Bình Đào thực hiện mô hình trồng giống đậu phụng mới L23 theo phương thức thâm canh tổng hợp trên 10ha đất lúa chuyển đổi trong vụ hè thu. Thực tế cho thấy, bình quân mỗi vụ 1ha đậu phụng L23 đạt tổng giá trị 87 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng 48 triệu đồng/ha, cao gấp 12 lần so với sản xuất lúa.
Hướng mở cho nông nghiệp ven đô
Cách đây 2 năm, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, một vài hộ dân ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) triển khai xây dựng thí điểm mô hình trồng măng tây xanh trên tổng diện tích 0,5ha đất cát ven biển. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên cây măng tây xanh của mô hình trình diễn đó sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau khi trồng khoảng 6 tháng, loại măng này bắt đầu cho thu hoạch và đạt năng suất cao, ổn định kể từ năm thứ 2 trở đi. “Măng tây xanh là loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao nên hiện nay rất được thị trường ưa chuộng. Thực tế cho thấy, toàn bộ sản phẩm của mô hình tại phường Điện Dương đều được các chủ nhà hàng, khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng đặt mua. Qua thống kê, bình quân mỗi năm 1 sào măng tây xanh cho giá trị 45 triệu đồng, quy ra 1ha có mức thu nhập 900 triệu đồng, lãi ròng khoảng 600 triệu đồng/ha/năm” - ông Nghi chia sẻ.
Trước hiệu quả hết sức thiết thực do cây măng tây xanh mang lại, thời gian qua nhờ sự tiếp sức từ phía chính quyền thị xã Điện Bàn, người dân ở phường Điện Dương đã tiến hành trồng thêm 1,3ha. Đồng thời thành lập Tổ hợp tác sản xuất măng tây xanh an toàn, xây dựng nhãn hiệu và liên kết với một số cơ sở để chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ông Võ Văn Nghi nói thêm: “Thời gian đến, cần tập trung nhân rộng mô hình này tại những vùng ven đô của Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ. Bởi, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh là rất lớn nhưng khả năng cung ứng còn quá ít. Mặt khác, do mô hình còn khá mới nên phải tiếp tục xây dựng tại các địa phương khác để nông dân có điều kiện học tập, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu, gắn kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm cho người sản xuất”.
NHÃ PHƯƠNG