Khởi nghiệp ở nông thôn
Những mô hình kinh tế tuy không mới, nhưng nhờ thay đổi phương thức sản xuất, hai thanh niên 9X ở Nông Sơn đã khởi nghiệp thành công tại quê nhà.
Lập nghiệp từ đồng vốn nhỏ
“Muốn thành công trước hết phải có khát vọng, dám nghĩ dám làm, phải có quyết tâm làm cho bằng được”- đó là chia sẻ của chàng thanh niên Từ Minh Trung (xã Phước Ninh). Sau nhiều năm “tha hương” với những công việc không ổn định, Trung nhận ra quê hương chính là mảnh đất làm giàu thiết thực nhất với mô hình nuôi ếch, kết hợp nuôi cá. Chỉ có vài triệu đồng trong tay, Trung đã mạnh dạn khởi nghiệp. Cuối năm 2014, trên diện tích đất vườn, anh xây dựng và đặt mua hơn 500 con ếch về nuôi thử nghiệm. Qua một thời gian, do chỉ học về kỹ thuật nuôi qua sách vở nên gặp khó, số ếch còn sống chỉ gần 100 con.
Anh Từ Minh Trung với mô hình nuôi ếch Thái Lan. |
Thất bại ban đầu không làm Trung nản chí, anh tìm đến học hỏi kinh nghiệm nuôi ếch khá hiệu quả của một doanh nghiệp ở Điện Bàn. Từ những kinh nghiệm học được, lần này anh đưa 2.000 con ếch giống Thái Lan về nuôi trong 5 ao, mỗi ao rộng 16m2. Cứ sau 2,5 tháng ếch cho thu nhập một lứa, sản lượng đạt 2,5 lạng/con, bình quân sản lượng ước đạt 1,7 tấn. Độc đáo trong cách chăn nuôi của Trung là kết hợp nuôi cá và nuôi ếch với 1.500 con cá trê được thả. Theo Trung, mục đích của việc kết hợp này là để tiết kiệm công vệ sinh cho ếch. Theo đó, màng ếch được cá ăn, từ đó môi trường luôn được vệ sinh sạch sẽ. Được biết, trong việc nuôi ếch kết hợp với cá trê, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Trung nói: “Đối với mô hình chăn nuôi ếch thì chỉ cần bỏ số vốn đầu tư thấp nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ngành chăn nuôi khác. Chi phí xây dựng mô hình cũng thấp, đủ để các bạn thanh niên bước đầu khởi nghiệp”.
Anh Lê Ngọc Long thành công với mô hình sản xuất hương trầm. |
Cùng với hoạt động kinh tế, Trung tích cực tham gia các phong trào hoạt động đoàn, hội của địa phương. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Trung đã giúp đỡ nhiều thanh niên trong thôn biết cách làm ăn, góp phần thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương. “Đối với các bạn thanh niên có nhu cầu nuôi ếch thì bản thân tôi sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật và con giống” - Trung nói. Hiện nay, nhiều thanh niên trên địa bàn Phước Ninh đã đến học hỏi kinh nghiệm và đã có vài mô hình khá thành công.
Hướng đi từ hương trầm
Ở cái tuổi 23, để có được cơ sở sản xuất hương trầm lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi năm là cả một quá trình phấn đấu của chàng trai 9X Lê Ngọc Long (thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc). Trước năm 2012, huyện Nông Sơn từng là thủ phủ của sản phẩm trầm hương, không ít hộ “phất lên” nhờ theo nghề trầm. Thế nhưng những năm gần đây, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này rất khó khăn. Từ hàng trăm cơ sở sản xuất, giờ chỉ còn lại hơn chục cơ sở cố gắng giữ nghề, vật lộn với biến động giá cả.
Chạy theo cơn lốc đổi đời từ trầm hương, năm 2012 Long tạm xếp việc học hành để theo người anh trai đi buôn trầm. Bước vào đời khi thị trường tiêu thụ trầm lớn của các chủ cơ sở ở Nông Sơn là Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Nhiều sản phẩm trầm bắt đầu ế ẩm và rớt giá nhanh chóng. Các công ty môi giới trước kia nay cũng không còn mặn mà. Đối mặt với khó khăn, Long đã thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ buôn bán trầm sang sản xuất hương trầm, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn. Long nói: “Với phương châm nội địa hóa sản phẩm, cơ sở bọn em cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, đặc biệt là Quảng Nam và Đà Nẵng. Việc không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến đầu ra sản phẩm được ổn định hơn”. Từ diện tích 20m2, đến nay cơ sở sản xuất của anh Long đã mở rộng lên 300m2 và đầu tư trang thiết bị hiện đại, mỗi tháng có thể sản xuất ra 2 tấn nhang và nhiều sản phẩm phụ gia khác. Hàng năm trừ hết chi phí cần thiết, cơ sở anh Long thu nhập 500 - 700 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế cá nhân, cơ sở của Long còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương dao động 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Long cho biết đa số anh em làm ở đây đều là tay ngang nên cơ sở phải đào tạo lại từ đầu. Việc tạo nghề cho anh em ở quê có một công việc ổn định không chỉ phát triển cơ sở bền vững mà còn gắn kết cùng nhau phát triển quê hương. Có thâm niên trong nghề gần 2 năm, anh Hà Ngọc Tâm (thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc) chia sẻ: “Với thu nhập hiện tại ở cơ sở sản xuất hương trầm Bình An, trừ đi chi tiêu hàng tháng vẫn còn dư một ít để bỏ túi phòng thân”.
Phó Bí thư Đoàn xã Quế Lộc Nguyễn Ngọc Ngân cho biết, Long là một trong những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. “Long đã chứng minh rằng, không phải cứ đi xa mới lập nghiệp được mà bằng sức trẻ, bằng bản lĩnh, thanh niên có thể thành công, thành danh ngay trên chính mảnh đất quê hương mình” - anh Ngân nói.
QUANG QUỲNH - HỒNG CƯỜNG