Cung ứng phân bón và thức ăn gia súc trả chậm: Nông dân hưởng lợi
Với sự trợ sức và bảo tín của Hội Nông dân tỉnh, nông dân ở nhiều địa phương đã được cung ứng phân bón và thức ăn gia súc, gia cầm theo hình thức trả chậm. Nhờ vậy người dân được tạo điều kiện tăng gia sản xuất và nâng cao nhận thức về việc ưu tiên dùng hàng Việt.
Không những được mua phân bón trả chậm, người dân còn được doanh nghiệp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. |
Bắt đầu từ vụ đông xuân 2013 - 2014, Hội Nông dân tỉnh giao Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân ký kết trực tiếp với các công ty phân bón xây dựng mô hình bán phân trả chậm cho nông dân khó khăn tại các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Thọ (Điện Bàn). Trong vụ đầu tiên triển khai thí điểm đã có gần 2.000 hộ đăng ký mua 2 loại phân bón lót và bón thúc cho cây lúa với 145 tấn phân. Đến nay các đơn vị đã cung ứng gần 4 nghìn tấn phân cho nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh. Và hiện nay, trung bình mỗi năm Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tín chấp cho nông dân mua hơn 1 nghìn tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm. Theo ký kết, công ty chở phân bón về tận xã, bán cho nông dân theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng. Công ty chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả của các loại phân bón. Hội nông dân các cấp đứng ra tín chấp để hội viên nông dân mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, các chi hội nông dân chịu trách nhiệm thu đủ tiền phân bón và hoàn trả cho trung tâm. Ông Nguyễn Đình Ba (thôn Đồng Tràm Tây, Quế Phú, Quế Sơn) cho biết: “Bà con nông dân chúng tôi ai cũng phấn khởi khi được chương trình của hội hỗ trợ, phân bón rất thích hợp với đồng ruộng của thôn Đồng Tràm Tây này. Sự hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng thời điểm đã giúp người dân giải quyết được nhiều vấn đề”.
Là một trong những thành viên của Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, vận động, phối hợp với các doanh nghiệp thương hiệu Việt có phương án hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất, cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm. Bằng cách này vừa có thể tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất vừa kích thích họ tin dùng các sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp Việt. “Chúng tôi đã phối hợp với thương hiệu phân bón “Sao Việt” hay “Đầu Trâu Bình Điền” để bán phân bón và thức ăn gia súc trả chậm cho nông dân. Các chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực bởi thực tế, không phải lúc nào người dân cũng có đủ tiền đầu tư sản xuất, nhưng cây lúa nếu không bón phân đúng thời điểm sẽ không đem lại giá trị kinh tế cao...” - ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Bên cạnh hình thức tín chấp cung ứng phân bón trả chậm, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn triển khai cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm trả chậm cho nông dân. Cơ sở chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Ngà (thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) vừa được đầu tư 50 triệu đồng xây mới hệ thống chuồng trại nên việc được hỗ trợ bán thức ăn trả chậm đã tạo điều kiện kịp thời để chị hoạt động sản xuất. Chị Nguyễn Thị Ngà chia sẻ: “Gia đình vừa xây dựng hệ thống chuồng trại nên không còn nhiều vốn để đầu tư con giống và thức ăn, nay nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ bằng hình thức mua thức ăn gia súc trả chậm tôi rất phấn khởi và không còn phải lo lắng nhiều về chất lượng sản phẩm”. Tại xã Tiên Cảnh, 8/8 thôn đều có cán bộ hội nông dân phụ trách bán phân bón và thức ăn gia súc trả chậm cho bà con. Các cán bộ này sẽ là đầu mối ghi nhận nhu cầu của các hộ nông dân và tập hợp lại cho các đại lý để cung ứng sản phẩm một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước cho biết, sau hơn một năm triển khai chương trình trên địa bàn xã, nông dân địa phương đều rất đồng tình ủng hộ. Trước đây Hội Nông dân huyện liên kết với Công ty Greenfeed và trực tiếp phân phối thức ăn gia súc lại cho bà con nhưng đến nay đã giao lại cho đại lý thực hiện công việc này. Hiện đại lý phân phối thức ăn gia súc của chị Nguyễn Thị Trang (thôn 5, xã Tiên Cảnh) mỗi vụ cung ứng cho nông dân địa phương hơn 4 tấn phân bón và 5 tấn thức ăn gia súc.
THỤC ANH - ANH THƯ