Bảo tồn gen gốc sâm Ngọc Linh 

HOÀNG THỌ 01/07/2016 09:34

Từ củ sâm hơn 150 tuổi do người dân phát hiện, huyện Nam Trà My đã chọn một số thành phần để nhân giống đưa lên núi Ngọc Linh trồng dưới tán rừng già. Từ đó, theo dõi định kỳ và tiến hành các bước nghiên cứu khoa học để xây dựng bản đồ gen gốc cho sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.

Phát hiện củ sâm hiếm

Những ngày qua, tại huyện Nam Trà My xôn xao câu chuyện ông Hồ Văn Hạnh (50 tuổi) và con trai là Hồ Văn Chiêu (18 tuổi) ở tại xã Trà Linh đào được củ sâm rừng tự nhiên có tuổi đời hơn 150 năm và nặng gần 1kg (vào ngày 23.6, Báo Quảng Nam đã đưa tin). Theo quan sát, củ sâm Ngọc Linh tự nhiên này có chiều dài chừng 50cm; phân tách thành 5 đoạn khác nhau, mỗi đoạn có đường kính chừng 3cm. Toàn bộ củ sâm có 150 mắt trúc, mỗi mắt tương đương với một năm tuổi. Ông Hạnh cho biết, đây là củ sâm tự nhiên lớn nhất từ xưa tới nay được phát hiện trên núi Ngọc Linh. Lúc mới đào được, củ sâm có trọng lượng hơn 0,95kg. Theo như lời cha con ông Hạnh kể, nơi họ phát hiện củ sâm rừng là một khu vực nguy hiểm, sương mù bao phủ quanh năm. Từ làng leo núi tới đây phải mất 7 giờ, đường đi chủ yếu là dốc cao và vực thẳm.

Anh Hồ Văn Chiêu (bên phải) bàn giao mẫu vật từ củ sâm quý cho Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ
Anh Hồ Văn Chiêu (bên phải) bàn giao mẫu vật từ củ sâm quý cho Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ

Theo như kinh nghiệm tìm sâm lâu năm của mình, ông Hạnh cho rằng củ sâm rừng này trước đây mọc trên hốc cây cổ thụ (do chim tha hạt sâm lên hốc cây) nhưng về sau cây bị mục đổ xuống nên củ sâm tiếp đất và tiếp tục sinh trưởng. Vì thế việc khó phát hiện ra cây sâm là điều dễ hiểu. Sau 3 ngày phát hiện, củ sâm quý đã được chuyển nhượng cho một người ở TP.Hồ Chí Minh với giá hơn 200 triệu đồng. “Lúc đầu tôi thấy có 5 lá sâm nổi lên mặt đất nên cứ tưởng là tìm thấy 5 cây sâm con nhưng khi bươi lớp lá rừng ra mới phát hiện nguyên một củ sâm khổng lồ như vậy. Theo tính toán từ các mắt thì củ sâm này phải hơn 150 năm sinh trưởng. Khi chúng tôi phát hiện được, một phần củ sâm đã bị chuột ăn, nếu không nó phải nặng hơn 1kg. Đây là báu vật của rừng Ngọc Linh mà thần núi ban cho tôi” - ông Hạnh nói.

Bảo tồn gen quý

Mặc dù củ sâm quý đã được bán nhưng chính quyền huyện Nam Trà My đã yêu cầu ông Hồ Văn Hạnh giữ lại một số mẫu vật để nhân giống đưa vào rừng trồng và theo dõi quy trình sinh trưởng, đồng thời thu hút các nhà khoa học nghiên cứu xây dựng bản đồ gen cho sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam. Mẫu vật mà ông Hạnh chuyển giao cho huyện Nam Trà My gồm hai khúc sâm bị gãy từ củ sâm quý có chiều dài hơn 20cm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, việc người dân phát hiện được củ sâm quý càng khẳng định về xuất xứ của sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Nên việc giữ lại nguồn giống từ củ sâm cổ thụ này là việc hết sức quan trọng. Bởi đây là củ sâm gốc sinh trưởng trong môi trường tự nhiên với cấu tạo nguồn gen hoàn chỉnh. Sau khi tiếp nhận các bộ phận còn lại của củ sâm quý, huyện sẽ nhân giống và đưa lên vườn sâm gốc Tắc Ngo để trồng và theo dõi.

“Hàng tháng chúng tôi sẽ cho người kiểm tra, đo dạc để thành lập quy trình sinh trưởng cho cây sâm này. Chúng tôi cũng sẽ đưa các thành phần cho nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá hàm lượng Saponin. Huyện cũng mong muốn các nhà khoa học đầu ngành về gen di truyền quan tâm phân tích để đưa nguồn gen sâm Ngọc Linh vào ngân hàng gen thế giới cần được bảo vệ” - ông Bửu cho biết. Việc xây dựng bản đồ gen gốc cho sâm Ngọc Linh sẽ góp phần rất lớn trong việc gìn giữ nguồn giống gốc cho cây dược liệu quý hiếm này. Hơn nữa, từ cơ sở khoa học này sẽ giúp nâng cao được uy tín, chất lượng cho cây sâm, góp phần thực hiện thắng lợi đề án quốc gia về Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, giúp người dân nhận thức cao trong việc bảo vệ loài sâm gốc quý hiếm thuộc diện bậc nhất thế giới này.

HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ