Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Nhờ tiếp cận được các hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chức năng, vốn vay của ngân hàng cùng nỗ lực của chính người dân, nhiều mô hình sản xuất triển vọng, hiệu quả đã được thực hiện trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Núi Thành.
Dù mới được triển khai trong vòng 2 năm qua nhưng nuôi heo theo mô hình khép kín của gia đình ông Trần Văn Hồng (thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, Núi Thành) đã thu được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trên diện tích chưa đầy 1ha, đầu năm 2015, ông Hồng đã bố trí dãy chuồng trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và vệ sinh môi trường nuôi 10 con heo nái. Trong chuồng trại, ông Hồng phân ô, bố trí đầy đủ điện, máng chứa thức ăn, nước uống tự động. Ở lứa đầu tiên, sau khi 10 con heo nái đẻ được 100 con heo con, ông Hồng đã nuôi heo con thành heo thịt ở dãy chuồng trại khác và xuất chuồng bán sau 5 tháng nuôi. Với kết quả trung bình mỗi con có trọng lượng 1 tạ thịt, ông Hồng bán được tất thảy là 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi được hơn 200 triệu đồng. Ông Hồng cho biết: “Nông trại này được bố trí xung quanh cánh đồng lúa nên không sợ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vừa thông thoáng, heo phát triển tốt, ít bị hiểm họa dịch bệnh. Tôi đang tính mở rộng sản xuất từ thành công bước đầu qua 2 năm chăn nuôi”.
Mô hình nuôi gà của gia đình ông Quy. |
Ở thôn Phái Nhơn của xã Tam Hiệp, thời gian gần đây mọi người biết nhiều đến gia đình ông Nguyễn Trường Quy chăn nuôi theo kiểu mới. Trong khu vườn rộng chừng 2ha, ông Quy kết hợp nuôi gà đẻ, gà lấy thịt với 1 nghìn con; nuôi hàng nghìn con cá trê và ba ba. Trung bình mỗi tháng nuôi gà, ông Quy bán được 100 con gà thịt, thu được 15 triệu đồng; 2 nghìn quả trứng thu được 6 triệu đồng và dùng trứng để ấp gà con, tiếp tục nuôi gà thịt sau khi xuất bán lứa trước. Với mô hình kết hợp nuôi gà, cá trê và ba ba, mỗi tháng gia đình ông Quy thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Quang - Trưởng trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành cho rằng, ngành khuyến nông đã liên hệ với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo liên kết sản xuất bền vững. Các doanh nghiệp, ví dụ như Công ty Green Feed ký kết hợp đồng với người t dân, cung cấp con giống tốt, bán thức ăn và thu mua sản phẩm định kỳ. Ngành khuyến nông tổ chức tập huấn, trang bị các kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi tiên tiến đồng thời cử cán bộ luôn đồng hành với quá trình chăn nuôi của người dân, giúp đỡ họ tháo gỡ các khó khăn, phòng bệnh tốt. Ngoài ra, nông hộ cần nắm vững các khâu kỹ thuật, nhất là vệ sinh chuồng trại, thức ăn, thuốc để đạt sản lượng và năng suất cao. Để ổn định đầu ra sản phẩm, các nông hộ cần giữ vững các mối quan hệ làm ăn, tạo niềm tin lẫn nhau.
Ông Phạm Văn Minh, cán bộ phụ trách văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của huyện Núi Thành, thông qua ngân hàng Chính sách - xã hội, huyện tạo điều kiện để người dân vay vốn, năng động sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Núi Thành đã phê duyệt 43 mô hình phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư là 10 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của chương trình nông thôn mới là 2,5 tỷ đồng còn lại là nhân dân góp sức. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất mới theo các đề án, phương án đã được UBND huyện phê duyệt, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất đã thí điểm, hướng đến ổn định sản xuất, giúp người dân tăng thêm thu nhập.
NGUYỄN QUANG VIỆT