Đại Lộc tập trung sản xuất vụ hè thu

HOÀNG LIÊN 01/06/2016 08:36

Những ngày qua, một số địa phương ở Đại Lộc đã xuống giống vụ lúa hè thu. Dự kiến, toàn huyện có khoảng 300ha sản xuất lúa cần chuyển đổi sang cây trồng cạn, nếu khô hạn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Triển khai công trình chống hạn cho đồng ruộng. Ảnh: H.L
Triển khai công trình chống hạn cho đồng ruộng. Ảnh: H.L

Chủ động chuyển đổi cây trồng

Vụ hè thu năm nay, Đại Lộc triển khai sản xuất trên tổng diện tích 3.800ha, tổ chức sản xuất thành hai vùng riêng biệt. Ở vùng A và vùng C, nhân dân bắt đầu triển khai xuống giống từ ngày 20.5 và dự kiến kết thúc trước 10.6, nhằm đảm bảo lúa trổ từ 25.7 đến 10.8, thu hoạch dứt điểm trước 15.9 để tránh lũ lụt đến sớm ở cuối vụ. Tại các xã vùng B, do việc cung cấp nước đổ ải bắt đầu từ 25.5, nên thời gian gieo sạ sẽ bắt đầu từ 1.6, kéo dài tới 10.6 bằng các giống ngắn ngày, đảm bảo thu hoạch xong trước 15.9. Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống và đặc điểm của từng chân đất, các địa phương linh hoạt, tích cực trong chỉ đạo, điều hành sản xuất.

Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng vụ hè thu, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý nguồn tưới, các HTX triển khai chống hạn từ rất sớm. Các địa phương cần củng cố các đội thủy nông điều tiết nước tưới, thường xuyên nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy, quản lý tốt nguồn nước tưới. Dự báo là trong vụ hè thu, do sử dụng các giống lúa có năng suất và chất lượng gạo cao nên xuất hiện nhiều đối tượng gây hại, thời tiết khắc nghiệt cũng tạo cơ hội cho nhiều loại dịch hại như chuột, rầy nâu, sâu đục thân, bọ trĩ, bệnh thối thân, thối bẹ, khô vằn, bệnh đen lem thối hạt lúa… Do vậy, bên cạnh tuyên truyền cho người dân quản lý dịch hại tốt, đội ngũ kỹ thuật cần bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện, cảnh báo đến người dân, xử lý, khống chế dịch bệnh lây lan diện rộng.

Cũng theo ông Khánh, cơ cấu giống lúa vụ hè thu chủ lực vẫn là giống lúa lai Nhị ưu 838, Xuyên hương 178, giống lúa thuần BC15, OM4900, Thiên ưu 8, HT1, HT9, TBR1, TH3-5, Đột biến 6… Nhiều diện tích ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn đã gieo sạ với khoảng 300ha được xuống giống, các địa phương khác đang tiếp tục gieo sạ khi có nước đổ ải. Để đảm bảo năng suất, sản lượng, Phòng NN&PTNT đã tích cực chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã, các đơn vị khai thác và quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý tốt nguồn nước. Vụ này, toàn huyện có khoảng 300ha thuộc diện tích ở cuối kênh, diện tích phụ thuộc vào nguồn tưới từ các hồ chứa nhỏ thiếu nước và diện tích phụ thuộc vào công trình nước tự chảy… phải chuyển đổi sang cây trồng cạn. “Hiện, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng đậu xanh, bắp xuân hè và hè thu, được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng. Ví như Đại Nghĩa 5,5ha, Đại Hòa 4,6ha, Đại Lãnh 1,2ha, Đại Hồng 1ha trong tổng số 6ha quy hoạch… Song, khó khăn là đi cùng với phương án chuyển đổi sang cây trồng cạn để tiết kiệm nước, phải tính đến phương án làm mương, rãnh tiêu nước nhằm đảm bảo cho sản xuất. Song, khó khăn là kinh phí đầu tư không ít” - ông Khánh chia sẻ.

Chống hạn cho đồng ruộng

Phương án chống hạn vụ hè thu đã được lập từ rất sớm, ngay từ cuối vụ đông xuân. Lượng mưa trên địa bàn từ đầu năm tới nay rất thấp khiến mực nước tại các hồ chứa, đập dâng xuống rất thấp so với mực nước tràn. Ông Lê Khắc Bảy - cán bộ phụ trách thủy lợi Phòng NN&PTNT cho biết, theo số liệu ngày 12.5, mực nước ở hồ Trà Cân thấp hơn so với tràn 7m; mực nước hồ Cửa Kiến thấp hơn so với tràn là 1,2m; mực nước đập Ồ Ồ xuống thấp hơn 2,5m so với tràn; mực nước ở đập Hố Chình cũng thấp so với tràn là 2,4m… Được biết, toàn huyện có 7 hồ chứa, 9 đập dâng nhỏ cấp nước tưới cho 453,2ha. Nhiều trạm bơm bị bồi lấp, hay do mực nước sông xuống thấp, có đoạn dòng sông dịch chuyển xa bể hút 50 - 150m (Lam Phụng, Cầu Phao), nhiều bể hút bị treo (Trúc Hà 1, Đại Hưng), Lâm Phụng (Đại Quang)… không phát huy hiệu quả. Với tình hình trên, toàn huyện sẽ có khoảng 537ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng do trạm bơm đối diện với hạn hán, thiếu nguồn; 460ha bị ảnh hưởng do hồ chứa, đập dâng cạn kiệt nguồn. Trong đó, riêng xã Đại Quang, dự kiến có khoảng 100ha lúa bị ảnh hưởng nguồn tưới từ trạm bơm và gần 100ha bị ảnh hưởng nguồn tưới bởi đập dâng, hồ chứa. Tại vùng B, nhiều xã có diện tích ở cuối kênh Khe Tân bị ảnh hưởng nguồn tưới trong mùa khô như Đại Cường 83ha, Đại Tân 40 ha, Đại Minh 53ha… “Trường hợp nếu không có mưa bổ sung, phần lớn diện tích không chủ động nước này được khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng cạn. Còn nếu thời gian tới có mưa bổ sung với nguồn lớn, nhiều diện tích trong số này sẽ xuống giống ngắn ngày” - ông Bảy chia sẻ.

Ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm, đối với phương án chống hạn do Chi nhánh Thủy lợi Đại Lộc thực hiện thì đơn vị này tự triển khai theo phương án đã chọn. Với công trình chống hạn ở các địa phương, HTX nông nghiệp trực tiếp đứng ra chủ động các biện pháp cấp bách chống hạn. Kinh phí phục vụ chống hạn tại các địa phương sẽ được Nhà nước hỗ trợ sau. Với những công trình đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, Phòng NN&PTNT tham gia hỗ trợ. “Phòng đã báo cáo huyện và đơn vị chức năng ở tỉnh, đề xuất huyện, tỉnh và các đơn vị chức năng làm việc, thống nhất với các ban quản lý nhà máy thủy điện thông báo cụ thể lịch xả nước cho các HTX, Chi nhánh Thủy lợi Đại Lộc để các đơn vị này chủ động xây dựng lịch tưới cho các trạm bơm điện ven sông. Đề nghị các nhà máy thủy điện ưu tiên cấp điện thường xuyên cho các trạm bơm điện vận hành và ưu tiên đảm bảo lượng nước liên tục về hạ du phục vụ công tác đổ ải, đảm bảo nước cho khâu xuống giống vụ hè thu đúng lịch thời vụ, đúng trà” - ông Khánh kiến nghị.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN