Xây dựng thương hiệu dầu phụng "Đất Quảng"
Việc tạo dựng thương hiệu dầu phụng nguyên chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo giá trị dinh dưỡng để cung ứng rộng rãi trên thị trường là mục tiêu của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (HTX Điện Quang) hướng tới.
Nhà máy chế biến dầu phụng sạch do HTX xã Điện Quang (Điện Bàn) đầu tư theo công nghệ tiên tiến vừa hoàn thành. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang chia sẻ, khi xây dựng nhà máy này, mục tiêu HTX hướng đến là tạo ra loại dầu phụng sạch, không lẫn tạp chất, đáp ứng tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Cũng theo ông Thành, về mặt giá cả, các loại dầu ăn công nghiệp hiện chỉ có giá 40 - 50 nghìn đồng/lít, trong khi giá 1 lít dầu phụng qua chế biến xong 90 - 95 nghìn đồng, song tại nhiều làng quê xứ Quảng và trong bếp ăn của người tiêu dùng, dầu phụng vẫn rất được ưa chuộng. “Gần đây nhiều người từ bỏ dầu ăn công nghiệp, lựa chọn sản phẩm dầu ăn truyền thống từ cây đậu phụng. Để đem lại nguồn lợi cho xã viên, giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân, HTX đã đầu tư xây dựng nhà máy với tổng giá trị 1,2 tỷ đồng, tổ chức ép dầu đóng chai mang thương hiệu “Đất Quảng” đưa ra thị trường, mặt khác tổ chức ép gia công cho người dân, tiểu thương trên địa bàn” - ông Thành nói.
Nếu trước kia, người dân xứ Quảng chế biến dầu phụng từ bộng gỗ rặt thủ công, sau chuyển dần sang bộng sắt quay tay, bộng sắt ép thủy lực, tiêu tốn khá nhiều thời gian, tạp chất trong dầu không được lọc hết, thì nay bằng quy trình công nghệ tiên tiến là bộng đứng ép thủy lực, dầu sau chế biến sẽ nhiều hơn, trong hơn, không lẫn cặn bã, tạp chất, lại rút ngắn công đoạn chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu dùng để ép là đậu phụng còn nguyên vỏ được phơi khô, đưa vào máy sạc vỏ với tỷ lệ 30/70 (30% hạt còn vỏ và 70% đã được bóc vỏ, nhằm tạo nước dầu trong hơn). Sau sạc vỏ, đậu được chuyển qua máy xay, rang chín, đóng bánh và bỏ vào máy ép, lọc thủ công và cho ra dầu sạch. Mỗi ngày, nhà máy có thể ép khoảng 500 lít dầu phụng phục vụ cho khâu đóng chai thành phẩm lẫn ép gia công cho người dân. Sau khi lấy dầu, các phụ phẩm từ vỏ đậu, hạt đậu như khô dầu (bánh dầu) còn được các tiểu thương, doanh nghiệp thu mua hết với giá 4 nghìn đồng/kg để làm thức ăn gia súc, làm phân bón. “Hiện kho chúng tôi đã trữ được 1 tấn dầu nước, chờ các thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác hoàn tất, chúng tôi sẽ đóng chai đưa đi tiêu thụ. Không lo sợ đầu ra, Công ty Việt Thiên Ngân cam kết hỗ trợ đưa sản phẩm dầu sạch vào siêu thị, trường học, bếp ăn tập thể các cơ quan, đơn vị. Để người tiêu dùng yên tâm khi dùng sản phẩm, HTX sẽ lắp đặt camera giám sát tại khu vực chế biến, mua bảo hiểm cho sản phẩm. Nếu khách hàng phát hiện sản phẩm không đảm bảo, chúng tôi sẽ đối chứng, sẽ đền bù nếu phần lỗi đó thuộc về chúng tôi” - ông Thành khẳng định.
Bà Trần Thị Phi Yến - Phó Giám đốc HTX Điện Quang thông tin, để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy hoạt động ổn định, từ nay đến cuối năm 2016, HTX tiếp tục mở rộng diện tích kho chứa nguyên liệu, thu mua nguyên liệu từ trong dân, liên kết với các tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn sản xuất theo hướng HTX cung ứng giống đậu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.
TRIÊU NHAN