Cần giữ vững thương hiệu rau sạch
(QNO) - Trong khi các vùng sản xuất rau sạch ở tỉnh ta như Bàu Tròn (Đại Lộc), Lang Châu Bắc (Duy Xuyên)… lâm vào cảnh ngắc ngoải, thì rau sạch Hưng Mỹ (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), dù nhiều lúc thăng trầm, vẫn “đang sống được”. Và để tránh đi vào vết xe đổ như các vùng trồng rau sạch khác, làng rau Hưng Mỹ cần có hướng đi cụ thể để giữ vững thương hiệu rau sạch.
Hôm giữa tháng 4 này, người dân Hưng Mỹ đón nhận niềm vui được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đến trao giấy chứng nhận công nhận làng nghề truyền thống trồng rau thôn Hưng Mỹ.
Nông dân Hưng Mỹ thu hoạch rau sạch. Ảnh : XUÂN THỌ |
Phát triển làng nghề bền vững
Hiện nay, thôn Hưng Mỹ có 294/ 800 hộ trồng rau với diện tích canh tác khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp của thôn. Trong số này, có khoảng 20% số hộ gia đình có truyền thống trồng rau từ 3 đời trở lên. Nhiều hộ dân trồng rau ở đây cho biết, sở dĩ việc sản xuất ở làng rau này ổn định, là nhờ biết kế thừa và phát huy tính truyền thống.
Cụ thể, theo gia phả tộc Trương và ghi chép trên bia Văn Thánh thì là Hưng Mỹ được khai khẩn cách đây khoảng 200 năm, bởi dòng người di cư từ miền Bắc. Khi đến đây, họ mang theo phương thức trồng rau, rồi trải qua quá trình sinh sống, họ đã chọn lọc, sử dụng những phương thức canh tác rau phù hợp với Hưng Mỹ đó là trồng rau bằng phân hữu cơ.
Ông Châu Ngọc Duy, một người có truyền thống trồng rau sạch ở Hưng Mỹ chia sẻ: “Hồi trước ông bà đã chọn trồng rau sạch, sau này chúng tôi kế thừa và phát huy nó, bất chấp rau “bẩn” đang bủa vây và “đe doạ”, chúng tôi vẫn quyết trồng rau theo hướng này. Bởi rau sạch Hưng Mỹ đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng. Riêng gia đình tôi, có 2.000m2 diện tích rau sạch”.
Đồng quan điểm với các hộ dân, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, lần nữa khẳng định rằng chính yếu tố truyền thống đã giúp cho thương hiệu rau sạch Hưng Mỹ tạo chỗ đứng trên thị trường. “Người trồng rau sạch ở đây có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, khoảng gấp 4-5 lần. Với mỗi sào rau, trung bình mỗi người có thu nhập 5 - 5,5 triệu đồng/ tháng” - ông Ba cho hay.
Tại buổi trao giấy chứng nhận làng nghề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng người dân Hưng Mỹ cần tiếp tục giữ gìn và phát huy hơn nữa yếu tố truyền thống của làng nghề. Có như vậy thương hiệu rau sạch Hưng Mỹ mới tiếp tục ổn định trong bối cảnh nhiều vùng rau sạch bị “chết” bởi tác động của rau “bẩn”.
HTX Mỹ Hưng là chủ lực
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cũng lưu ý rằng, trong lộ trình phát triển sắp tới của làng rau Hưng Mỹ, thì Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (gọi tắt là HTX Mỹ Hưng) sẽ giữ vai trò chủ lực, nhất là trong việc giữ sự ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ rau sạch. “Hiện tỉnh rất quan tâm đến các vùng sản xuất rau sạch theo tiêu cuẩn VietGap của tỉnh ta như Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An…
UBND tỉnh sẽ kiện toàn lại các vùng trồng rau này, nhằm đảm bảo cung ứng rau sạch cho các khu - cụm công nghiệp, thành thị và các vùng phát triển du lịch. Sắp tới, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng 4 chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch là heo, gà, tôm và rau - củ - quả, thôn Hưng Mỹ sẽ được chọn thí điểm triển khai mô hình này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay.
Người dân mua rau sạch tại cửa hàng rau sạch của HTX Mỹ Hưng. Ảnh: XUÂN THỌ |
Anh Trần Thanh Phong - Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Mỹ Hưng cho biết ngoài 23 thành viên, HTX Mỹ Hưng còn có 43 hộ vệ tinh. Các hộ này đều sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGap và nằm trong kế hoạch bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã. Ngoài ra, các cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Hưng Mỹ cũng chịu sự giám sát của HTX Mỹ Hưng.
Hiện tại, ở TP.Tam Kỳ, rau sạch Mỹ Hưng đã có chỗ đứng trong siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và cửa hàng của HTX Mỹ Hưng tại số 08 Nguyễn Dục. Trong nỗ lực mở rộng thị trường ra Đà Nẵng, bước đầu đã đi vào sử dụng cửa hàng ở số 72 Hàm Nghi; ngoài ra, HTX Mỹ Hưng đã ký được hợp đồng với 3 đơn vị khác ở thị trường tiềm năng này.
“Các đối tác ở Đà Nẵng đã vào khảo sát trước khi ký hợp đồng, và họ đã thoả mãn với các điều kiện sản xuất rau sạch của chúng tôi. Tuy nhiên, do một vài nguyên nhân khách quan, chúng tôi vẫn chưa dám đưa rau ra đó. Thứ nhất là về vận chuyển; thứ 2, là chưa có cửa hàng chính để giám sát, quản lí thị trường, nhằm tránh những hoạt động xấu, gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu mà chúng tôi gầy dựng bao lâu nay” - anh Phong thẳng thắn.
XUÂN THỌ