Chuột đồng gây hại lúa đông xuân
Lúa đông xuân đang vào gia đoạn đẻ nhánh, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc để cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây, chuột phát sinh và gây hại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh khiến nông dân rất lo lắng.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình trạng chuột cắn phá lúa đông xuân. |
Xã Duy Phước là một trong những địa phương có diện tích lúa đông xuân bị chuột đồng cắn phá nhiều nhất ở huyện Duy Xuyên, nhiều thửa ruộng bị chuột phá nát từng chòm. Mặc dù sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột nhưng bà Trương Thị Hồng (thôn Hòa Bình, xã Duy Phước) vẫn không thể hạn chế được tình trạng chuột cắn lúa. Nhiều hộ dân cố gắng dùng bẫy, bã diệt chuột nhưng hiệu quả không đáng kể. Nhìn những vạt lúa bị chuột cắn nằm la liệt trên ruộng, bà Hồng xót xa nói: “Tôi dùng mỳ tôm tẩm thuốc, rồi đặt bẫy, giăng cờ nhưng chuột vẫn cứ phá. Cứ đà ni chắc chúng phát hết thôi, mất mùa như chơi…”. Không riêng gì bà Hồng, mấy ngày qua, ông Trương Đức Cường (thôn Lang Châu Nam, xã Duy Phước) thường xuyên thăm đồng, 5 sào ruộng của ông đều bị chuột đồng phá từng chòm. Ông Cường dùng mọi biện pháp từ xua đuổi bằng bao ny lon, đặt bã, bẫy nhưng chẳng tác dụng gì nhiều. Ngồi bó gối trên đồng nhìn thửa ruộng với từng vạt lúa úa vàng, ông Cường lo lắng nói: “Người dân tự diệt chuột thì không có hiệu quả, chúng tôi mong muốn địa phương, ngành chức năng tổ chức đồng loạt thì may ra mới hạn chế được nạn chuột đồng, còn không thì mùa màng thất bát là cái chắc…”.
Qua kiểm tra đồng ruộng, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết, nạn chuột đồng đang phát sinh trên diện rộng tại các địa phương, trong đó tại thị xã Điện Bàn; các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước chuột đồng cắn phá lúa đông xuân mạnh nhất, nhiều nơi diện tích lúa bị chuột cắn phá đến 30% diện tích. Trong khi đó, lúa đông xuân đang thời kỳ đẻ nhánh nên chuột cắn phá mạnh hơn, nguy cơ phát triển diện rộng. Trao đổi với chúng tôi về công tác triển khai, tuyên truyền nhân dân diệt chuột, bà Nguyễn Thị Thu Sương - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện tại đơn vị tập trung hướng dẫn các địa phương sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột như đặt bẫy, dùng bã sinh học để đảm bảo an toàn môi trường, chú ý các ruộng ven đồi, gò… Trước và sau Tết Nguyên đán, các địa phương phải tổ chức đồng loạt để nông dân diệt chuột mới mang lại hiệu quả cao.
CHÂU TẤN