Từ làm thuê trở thành chủ trang trại
Giờ đây, nhắc đến trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Văn Tận (thôn 2, xã Quế Lưu, Hiệp Đức) ai cũng tấm tắc khen…
Sau nhiều năm tìm kế sinh nhai ở TP.Hồ Chí Minh, với đồng lương công nhân chỉ đủ sống, năm 2009 nông dân Nguyễn Văn Tận trở về quê hương quyết chí làm ăn. Nhờ nguồn vốn vay của Hội Nông dân xã và số tiền tích góp được, anh Nguyễn Văn Tận đầu tư chăn nuôi heo giống. Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, nhiều lần thua lỗ, dịch bệnh vẫn không làm anh chùn bước.
Trang trại chăn nuôi heo của anh Nguyễn Văn Tận. Ảnh: T.B |
Với đàn heo giống đến 20 con và gần 300 con heo siêu thịt, anh Nguyễn Văn Tận khá tất bật cho công việc chăm sóc đàn heo của mình. Một ngày bình thường của anh bắt đầu từ 6 giờ sáng với việc đổ cám vào hệ thống máng tự động và kết thúc bằng việc đi “thăm” heo vào khoảng 10 giờ đêm. Nhiều đêm thức trắng để “đỡ đẻ” cho heo giống là công việc thường xuyên của anh Tận vì tính trung bình, mỗi tháng đàn heo của anh có từ 5 đến 7 con heo nái đẻ. Những việc liên quan đến tiêm vắc xin, điều trị heo ốm anh đều đích thân đảm nhiệm. Anh Nguyễn Văn Tận cho hay: “Để có được trang trại như hôm nay, vợ chồng tôi tốn không ít công sức. Nhiều lần thua lỗ vì heo bị dịch lở mồm long móng, nhớ năm 2013 trang trại của tôi bị tiêu hủy hơn 20 tấn heo siêu nạc. Đau lắm, nhưng vợ chồng tôi gượng dậy, vay mượn bà con để đầu tư cho trang trại. Đến nay, nguồn thu nhập từ trang trại tổng hợp cũng khá, đối với nông dân mỗi năm có lãi khoảng 100 triệu đồng là phấn khởi lắm rồi”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, gia đình đông anh em nên khi học xong THPT, anh Nguyễn Văn Tận vào Sài Gòn làm công nhân chia sẻ gánh nặng với gia đình. Đến năm 2009 anh Nguyễn Văn Tận bàn với vợ về quê lập nghiệp. Khởi đầu vợ chồng anh chỉ nuôi vài con, vượt qua nhiều khó khăn, hiện nay, mỗi năm anh xuất chuồng gần 30 tấn heo thịt thương phẩm, hàng trăm con heo giống; sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Đức cho biết: “Ở địa phương, trang trại của anh Tận khá đảm bảo môi trường, với quy trình chăn nuôi khép kín đây là mô hình thực tế để nhiều nông dân học hỏi kinh nghiệm”.
Xuất phát từ kinh nghiệm chăn nuôi của mình, nông dân Nguyễn Văn Tận khẳng định: “Phải có ý chí quyết tâm rất cao, phải yêu nghề thì mới thành công”. Hiện tại, vợ chồng anh đang mở rộng trang trại như nuôi gà trên đệm lót sinh học, đầu tư hệ thống biogas. Đây cũng là mô hình điểm về chăn nuôi được nhiều nông dân trên địa bàn xã Quế Lưu học hỏi kinh nghiệm.
T.BÌNH