Khẩn trương vào vụ đông xuân
Vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Nông Sơn tổ chức sản xuất hơn 1.600ha lúa và hoa màu các loại. Để nâng cao năng suất cây trồng, thời điểm này ngành nông nghiệp huyện đã chủ động chỉ đạo sản xuất, đảm bảo đúng cơ cấu lịch thời vụ; tăng cường năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương, hồ đập...
Cải thiện năng lực tưới tiêu
Những ngày này, trên khắp cánh đồng Nông Sơn, nông dân hối hả ra đồng gieo sạ. So với các năm, nhìn chung vụ mùa năm nay khâu tổ chức sản xuất được đảm bảo nhờ chủ động nguồn nước. Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Lộc Trung, xã Quế Lộc) chia sẻ: “Trước đây, do hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng bài bản nên năng suất lúa đạt thấp, tầm 35 - 40 tạ/ha. Nhưng từ khi Nhà nước quan tâm xây dựng nhiều tuyến kênh mới nên ruộng đồng không còn cảnh thiếu nước. Vụ hè thu 2015 vừa rồi, năng suất đạt 50 - 51 tạ/ha khiến nhiều người rất phấn khởi”. Ông Hồ Chánh Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, hiện mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã canh tác 290ha lúa, hai vụ trong năm đều chủ động nước tưới. Sở dĩ được vậy là do năm 2015, từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (do Chính phủ Đan Mạch tài trợ), Nông Sơn được đầu tư 4,3 tỷ đồng phục vụ thi công nâng cấp hệ thống kênh dẫn nước hồ Trung Lộc (Quế Trung), hồ Hóc Hạ (Quế Lộc) và hồ Phước Bình (Sơn Viên). Trong đó, tuyến kênh Hóc Hạ nằm trên địa bàn xã Quế Lộc có chiều dài 512m đã được đầu tư xây dựng, nhiều cống bê tông dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho cây lúa đã hình thành.
Nghiệm thu hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh: Liên Thông |
Cùng với Quế Lộc, Quế Trung cũng là xã được huyện Nông Sơn chọn làm điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Với một xã thuần nông, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa là hết sức quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch UBND xã Quế Trung, để đảm bảo nước cho khâu gieo sạ, tưới tiêu cho nhiều diện tích lúa, bằng nhiều nguồn lực đầu tư và sự đóng góp của nhân dân trong xã, hiện địa phương đã nâng cấp và xây mới 978m tuyến kênh Lò Bó và kênh N2 đoạn cuối tuyến, kênh đập CK55; xây dựng mới tuyến kênh mương nội đồng, ống dẫn nước Đồng Trên (thôn Trung Viên), tuyến kênh mương nội đồng Đồng Vú (thôn Trung Phước 3); tu sửa trạm bơm Đồng Chợ, Đồng Quan thôn (Trung Phước 2), sửa cống và gia cố đập Hóc Thầy… Nhờ đó, Quế Trung đã từng bước xóa bỏ được tình trạng không chủ động nước tưới, bỏ hoang một số diện tích như trước kia. Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, giai đoạn 2008 - 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư 21 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều hồ chứa, đập dâng và kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương trọng yếu. Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, năm 2015, Nông Sơn đã đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng để kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu cho gần 90ha lúa và hoa màu trên địa bàn huyện.
Đảm bảo lịch thời vụ
Vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn bộ khâu cải tạo đồng ruộng, làm đất, gieo sạ trên địa bàn huyện Nông Sơn diễn ra từ cuối tháng 11.2015 tới đầu tháng 1.2016. Vụ này, Nông Sơn tổ chức gieo sạ khoảng 1.200ha lúa, 410ha bắp và hoa màu các loại. Trong đó, với cây lúa, chủ yếu tập trung xuống giống lúa Thiên Ưu 8, OM 4900; với cây bắp, chủ lực vẫn là giống PC888, bộ giống cho năng suất cao. Ông Nguyễn Đình Sử - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, năm nay, do lũ lụt chưa xuất hiện nên khả năng gây hại của chuột, ốc bươu vàng sẽ rất cao. Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện và 7/7 xã vận động nhân dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp. Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các hội đoàn thể phát động đoàn viên, hội viên ra quân diệt chuột và ốc bươu vàng trên diện rộng. Cũng theo ông Sử, để đảm bảo vụ đông xuân diễn ra đúng lịch thời vụ, đúng cơ cấu giống, địa phương cũng tổ chức hàng chục khóa tập huấn sản xuất cho nhân dân ở 39 thôn trên địa bàn về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, thâm canh cây lúa, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh…
Theo lịch thời vụ, phải đảm bảo lúa trổ từ ngày 15 đến 30.3.2016, và cuối tháng 4 có thể thu hoạch xong để sớm bắt tay vào sản xuất vụ hè thu 2016 nhằm tránh ảnh hưởng của lũ lụt rất dễ xuất hiện ở thời điểm cuối vụ. Hiện, từ nguồn hỗ trợ của trung ương, từ nguồn ngân sách huyện, hơn 65 tấn lúa giống và 4 tấn bắp giống cũng đã được cấp đến các địa phương, hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng bởi đợt thiên tai năm 2015 có nguồn giống để sản xuất. Thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp ở Nông Sơn là đến nay, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng không ngừng được tăng lên, góp phần giải phóng sức lao động của nhà nông. Hiện, khoảng 80% diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất cho tới khâu thu hoạch. Từ Cơ chế 33 của tỉnh, nhiều tổ hợp tác ở Nông Sơn đã được hỗ trợ mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cày... phục vụ sản xuất. Các tổ hợp tác đã kiêm nhiệm nhiều khâu từ làm đất, thu hoạch cho tới vận chuyển nông sản và được điều hành, phân công việc cụ thể tránh chồng chéo.
Ông Nguyễn Đình Sử cho biết thêm, trước ảnh hưởng của hiện tượng El nino, trên địa bàn Quảng Nam sẽ có nắng nóng kéo dài, lượng mưa sẽ thấp hơn nhiều năm. Chi nhánh Thủy lợi Quế Sơn dự báo sẽ thiếu nước tưới cho khoảng 34ha của xã Quế Trung, do nằm cuối kênh N2 (hồ Trung Lộc) và một số diện tích ở các xã Sơn Viên, Quế Lộc (hồ Hóc Hạ, hồ Phước Bình) ở thời điểm cuối vụ. Vậy nên, phương án chống hạn năm 2016 ở Nông Sơn đã được kiện toàn, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để chủ động trong khâu tưới tiêu, như hỗ trợ máy bơm dã chiến, trạm bơm dã chiến. Một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả cũng được chuyển đổi sang trồng cây bắp, đậu phụng, đậu xanh cho năng suất cao, hoặc chuyển sang trồng cỏ nuôi bò…
HOÀNG LIÊN - MINH THÔNG